22/10/14

Chào bạn!
Hy vọng bạn đã có những chuẩn bị kĩ lưỡng cho đợt thực tập sư phạm của mình!
Trong bài này tôi sẽ chia sẻ với các bạn một số kinh nghiệm cần thiết và chắc chắn sẽ có ích cho bạn.

Trước hết, nói về một số vấn đề chung. Một việc quan trọng mà bạn cần làm trong suốt quá trình thực tập đó là lập kế hoạch thực tập. Để quá trình thực tập không bị lúng túng và bỡ ngỡ, bạn nên tự xây dựng kế hoạch thực tập cho riêng mình. Bạn cần nắm rõ kế hoạch của đoàn thực tập, kế hoạch hoạt động của trường THPT, thời khóa biểu của lớp chủ nhiệm, thời khóa biểu của giáo viên hướng dẫn, từ đó lập ra những việc trong tuần tới bạn sẽ làm. Việc lập kế hoạch sẽ giúp bạn làm việc một cách khoa học, sắp xếp thời gian hợp lý và đặc biệt là không quên những nhiệm vụ sẽ phải thực hiện.

Nếu lập kế hoạch thực tập là việc bạn cần làm thì có một việc khác bạn nên làm trong quá trình thực tập, đó là ghi nhật ký. Có phải bạn đang nghĩ đến nhật ký là ghi lại hôm nay tôi buồn quá, hôm nay tôi thật sự quá là vui ...bla bla...ý tôi không phải vậy nhé :) tôi đang nói đến nhật ký công việc.
Mẫu nhật ký của tôi

Sau mỗi ngày bạn nên ghi lại nhật ký công việc, khi bạn ghi lại nhật ký công việc chính là lúc bạn nhìn lại xem một ngày đã làm được những gì, có những điều gì cần rút kinh nghiệm, so với kế hoạch đã lập ra còn điều gì chưa thực hiện được hay không? Sau cả đợt thực tập một lần nữa bạn hãy nhìn lại nhật ký công việc cũng như nhìn lại và tự đánh giá chính bản thân mình vậy.
Còn nếu bạn muốn ghi cả nhật ký cảm xúc cũng không sao, đợt thực tập chắc chắn sẽ để lại nhiều kỉ niệm và nhiều cảm xúc đáng nhớ đấy.
Nhật ký của một giáo sinh (not me)


Về công tác chủ nhiệm:
Hãy tạo mối quan hệ thân thiện với học sinh,  hãy là một thành viên của tập thể lớp, để các em học sinh nhớ đến bạn mỗi khi lớp có việc gì đó. Tuy nhiên vẫn cần giữ sự nghiêm khắc cần thiết của một người giáo viên. Ghi nhớ làm việc là làm việc, học là học, chơi là chơi.
Nhiệt tình trong mọi công tác của nhà trường, của lớp. Bạn đi thực tập là để học hỏi, vậy không có lý do gì để ngại làm việc, ngại tham gia các hoạt động. Nếu bạn cứ ngồi im một chỗ thì sau đợt thực tập bạn sẽ thu được những gì?
Tìm hiểu kỹ nội quy học sinh của trường phổ thông mà mình đến thực tập, hiểu được đặc điểm tình hình lớp, tiêu chí đánh giá thi đua giữa các lớp học. Trong giờ sinh hoạt lớp, hãy tạo bầu không khí thầy trò gần gũi, lắng nghe những tâm tư của học sinh, tạo cho các em sự tin tưởng, từ đó đề ra kế hoạch phù hợp và hiệu quả. Khi gặp tình huống sư phạm, bạn nên trao đổi, xin ý kiến của giáo viên hướng dẫn về biện pháp giáo dục, không tự ý quyết định hoặc hành động để rồi phải sửa chữa lỗi lầm. Hãy nhớ muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học.

Về công tác giảng dạy:
Để tiết giảng thành công, việc đầu tiên bạn cần làm là chuẩn bị chu đáo bài soạn và tập giảng để rút kinh nghiệm. Những sự chuẩn bị vội càng, qua loa luôn ẩn chứa nhiều sai sót.
Không quá lệ thuộc vào bài soạn. Ở giảng đường các bạn được dậy những "siêu học sinh", cô hỏi 1 trò trả lời 2, thực tế đâu phải vậy.Giáo viên hướng dẫn của bạn đã gắn bó với học sinh lâu nên hiểu được khả năng của từng lớp, từng học sinh. Đó là sự khác biệt rất lớn so với bạn. Bạn cần phải tìm hiểu kỹ về đối tượng học sinh và có những điều chỉnh thích hợp nếu muốn thực hiện tốt tiết dạy.
Tránh để trọng tâm mờ nhạt, "nội dung giảng dạy rời rạc". Muốn thế, bạn cần chốt lại ý chính cần ghi nhớ sau mỗi hoạt động và có những câu chuyển ý phù hợp (gợi động cơ hợp lý, lôi cuốn).
Bên cạnh việc "cố gắng làm theo giáo viên hướng dẫn", bạn nên vận dụng những kiến thức về các Phương pháp dạy học đã được học để tích cực hóa hơn nữa hoạt động học tập của học sinh. Tìm tòi những cách tiếp cận vấn đề, truyền đạt nội dung bài giảng sao cho học sinh dễ hiểu nhất, ghi nhớ lâu nhất.
Tích cực dự giờ chuyên môn. Bạn hãy cố gắng tới dự tất cả những giờ của bộ môn mà bạn có thể tới, có thể dự giờ giáo viên hướng dẫn, dự giờ thầy cô khác trong tổ chuyên môn, dự giờ giáo sinh khác cùng tổ. Trong mỗi tiết dự giờ bạn hãy ghi chép cẩn thận, cố gắng học hỏi những điều hay và rút ra những lỗi cần phải tránh.

Về những mối quan hệ trong quá trình thực tập:
Đối với Giáo viên trường phổ thông cần kính trọng, khiêm tốn, cầu tiến, tế nhị, mạnh dạn; tránh sợ hãi, rụt rè, tự ti hoặc phô trương kiến thức hay bất bình, chê bai…Chẳng hạn: nếu có một số vấn đề nào đó về chuyên môn không nhất trí, trước hết kiểm tra lại mình một cách cẩn thận, nếu mình sai thì hãy rút lui một cách có “trật tự”, nếu mình đúng thì khéo léo trao đổi với GV một cách “học hỏi”, tránh chạm đến lòng tự trọng của GV hay đừng để họ nghĩ “trứng khôn hơn vịt”. Không được bàn tán về những khuyết điểm trong bài giảng của GV ở chỗ đông người…
Đối với học sinh cần mạnh dạn ngay buổi tiếp xúc đầu tiên, vui vẻ, dễ gần, nhưng nghiêm khắc, chân thật và bình đẳng, bình tĩnh, tự chủ, tế nhị…. Tránh quá nghiêm khắc, cách biệt với HS hoặc quá vui vẻ, xuề xoà, “cá mè một lứa”.
Đối với bạn cùng đoàn thực tập cần thật sự cộng tác, tương trợ lẫn nhau, khiêm tốn học hỏi; tránh đố kị, cô lập bạn mình và cô lập mình, tự cao, bè phái, mất đoàn kết làm ảnh hưởng đến kết quả của bản thân và của cả đoàn.
Đối với cán bộ và nhân viên trong trường phổ thông, với nhân dân địa phương nơi đến thực tập cần thân mật, cởi mở, chân thành, ứng xử có văn hóa…

Cuối cùng, nếu bạn đã đọc đến những dòng này, nếu bạn đã đọc chi tiết, cẩn thận từng dòng phía trên, tôi đánh giá cao sự chuẩn bị và tinh thần ham học hỏi của bạn, không có lý do gì có thể ngăn thành công của bạn trong đợt thực tập sư phạm này!
Chúc bạn học hỏi được nhiều điều từ thực tế!
Chờ tin tốt lành từ bạn!


10"Gà", lớp tôi chủ nhiệm :)

Các bài liên quan



0 nhận xét:

Đăng nhận xét