8/6/14

Nhỏ con tham gia một gameshow, cha là người trợ giúp. Câu hỏi như sau, người ta hay nói chuồn chuồn đạp nước, vậy câu ấy mô tả trạng thái nào của chuồn chuồn? 

a. đẻ trứng

b. tìm kiếm bạn tình

c. đói

d. sắp chết


Ba mươi giây bắt đầu. Cha nói, b là trúng phóc. Nhỏ con hỏi vặn vẹo, chắc hôn nghen. Cha hơi tự ái, chắc chắn trăm phần trăm. Cha biết đoạn trò chuyện này sẽ được phát trên truyền hình toàn quốc, nếu không dằn mặt nó thêm vài câu nữa. Nhỏ con trên trường quay ngần ngừ, nó nhờ thêm một quyền trợ giúp, lần này họ lọc lại chỉ còn hai phương án, nhỏ con hú vía, b và d bị xóa trắng. Nhỏ con chọn a, nó lý luận với ông dẫn chương trình, chắc lúc đói chuồn chuồn không còn sức để đi đạp nước đâu. Nhờ kiểu suy luận cùn đó mà những câu hỏi sau nữa nó tự tin để vượt qua, cầm tấm sec mười lăm triệu mừng quýnh vẫy tay chào khán giả.
Đó là một ngày tháng chín gió giành ngọn dữ dội. Nam chưa đi mà chướng đã tới thổi cheo heo. Hai cha con rời trường quay, ở bãi đậu xe, nhỏ con nói, phải con nghe lời cha là tiêu tùng rồi. Cha ậm ừ chống chế, lúc đó quýnh quá mà. Trên đường về nhà gặp lúc triều cường, cha phải chạy vòng qua ngã khác để tránh con đường bị ngập nước, nhưng ở vòng xuyến cha lại quẹo phải, nên lạc đi xa. Nhỏ con muốn mau về nhà để mừng tưng bừng với mẹ nên kêu lên, cha đi đường này chi cho xa vậy? Cha thắng nhủi đầu xe, dục dặc, lâu nay chạy lộn đường hoài, bộ không biết sao mà còn hỏi tới hỏi lui?
Nhỏ con chưng hửng không hiểu vì sao cha quạu bất tử. Nhưng nó đang ngây ngất với món tiền thưởng nên không để bụng buồn lâu. Cha nghe nhỏ con im re đằng sau, cũng cụt hứng, lặng lẽ chạy miết. Hồi lâu nghe nhỏ con lại khều khều bên hông, cha mới hay mình đã chạy qua khỏi nhà. Tẻn tò quay lại, nhìn hai mẹ con họ nhảy cà tưng dưới cánh cổng chấp chới những bông huỳnh anh, cha hoàn hồn, nếu chẳng may chiếc xe bị ngập bugi tắt máy giữa chừng, không biết mình có xô ngang bỏ lại bên đường sau khi đá vô chiếc xe mấy cái.
Bữa cơm tối đó cha ăn một cách gượng gạo. Gắp cho nhỏ con cái đùi gà hấp rau răm, mẹ nói mẹ phải đi mấy cái chợ mới mua được gà thả vườn, cha mới nhận ra trên mâm có thịt gà. Một cơn khó chịu nào đó đầy ứ trong cổ họng cha, vợ không gắp cái đùi gà còn lại cho mình, chuyện này chắc có liên quan tới vụ chuồn chuồn đạp nước mà nhỏ con kể lúc chiều. Khi đó mẹ đã cười ngặt nghẽo, vậy mà ba mầy toàn viết văn dạy đời thiên hạ. Cha chép miệng, con người là con… người, cũng có lúc lẫn lộn, em cũng mang dép lộn hoài đó.
Nhưng cha biết mang dép lộn không thể xếp chung với chuyện chuồn chuồn đạp nước. Cha nghi ngờ đáp án của chương trình, ngay trong khoảnh khắc ở trường quay và khi nằm trên ghế bố trong phòng, cha thấy hình ảnh con chuồn chuồn đang vào độ tuổi yêu, khao khát bạn tình, cô đơn soi bóng mình trên sóng nước là quá chừng có lý. Cha vùng dậy, chui xuống gầm sàn lục tìm cuốn sách Thế giới loài vật mà tháng trước dọn dẹp cơ quan cha quẳng về nhà. Cuốn sách mất tăm. Chỉ có một đống rác, cha cằn nhằn, nhà có hai người phụ nữ mà dơ như vầy, thiệt hết chịu nỗi.
Cha mặc quần áo xách xe đi, mẹ cầm cây chổi nhìn theo cái lưng dài thượt của cha tự hỏi tại sao chỉ vài tấm giấy báo mà mặt mày cha nghiêm trọng vậy. Chạy mông mênh, cha vẫn không biết mình đang đi đâu. Rút điện thoại gọi cho ông bạn, rủ ra quán văn nghệ, câu đầu tiên khi bạn kéo ghế ngồi là:
- Chuồn chuồn đạp nước là nó đẻ hả mậy?
Ông bạn gật đầu cái rụp, không mảy may suy nghĩ như đó là chuyện đương nhiên mặt trời mọc ở đằng Đông.
- Ừ, bộ mầy chưa biết hả?
Cha muốn bỏ về. Ông bạn này làm thơ, dân làm thơ ngu ngơ trên trời với mây gió, vậy mà ông biết chuyện sinh đẻ của chuồn chuồn. Còn cha thì không. Cái ý nghĩ đó làm cha buồn nẫu nê, bia ngon bao đời nay bỗng dưng đắng đót. Ông bạn nghe kể lại chuyện ở trường quay, ông cố làm ra vẻ mặt nghiêm túc để nén cười, để nói một câu nghiêm túc:
- Thôi bỏ qua mầy ơi, đâu phải cái gì người ta cũng biết hết.
- Ừ, nhưng không biết vụ này thì mất mặt quá, mậy.
Ông bạn nhà thơ cười ha ha:
- Quan trọng là người ta trong mắt mình như thế nào. Tao thấy mầy cứ mệt mỏi vì chuyện mình như thế nào trong mắt người ta.
Nhưng đây không phải là người ta, đây là vợ và con mình, cha nghĩ vậy nhưng không còn sức để cãi. Cha về nhà và ngủ một giấc với hy vọng, khi thức dậy cha quên cơn ác mộng mang tên con chuồn chuồn này, thức dậy với một bình minh khác.
Và đó thực sự là một bình minh khác. Lúc cha bước ra khỏi phòng với cái đầu nhức bưng thì con gái cũng dắt xe đạp tới trường, con gái mặc cái áo dây mới mua bằng tiền thưởng, cha ứa gan với cái khoảng vai trần nhỏ nhắn của đứa con gái mười chín tuổi. Cha định cằn nhằn thì những con chuồn chuồn bỗng chao liệng, khiến cha nghẹn ứ. Cha hình dung nhỏ con sẽ trả lời như vầy, áo kiểu này bây giờ là mốt đó, con thấy cha không biết gì hết, chuồn chuồn đạp nước còn không biết thì biết gì. Hoặc vả con nhỏ sẽ không nói, nhưng ánh mắt nó nói trong lúc quay lại thay áo khác. Cha sợ điều đó, cha đứng trong phòng tắm và ngậm bàn chải rất lâu, đờ đẫn đến nỗi nuốt hết mớ bọt kem đánh răng trong miệng. Mẹ nói vói vào, Duyên Anh tính mua dàn vi tính mới cho anh, chớ máy cũ chập chờn có ngày bản thảo mất hết. Cha ỉu xìu, thôi, xài máy đó quen rồi, máy lạ mất hứng viết. Mẹ gạn hỏi, giọng gì nghe như chết rồi vậy, anh có bị sao không?
Không, cha không bị sao hết, không có vết xước nào dù tối qua trong trạng thái mụ mị trở về nhà. Bữa nhậu thằng bạn trả tiền. Cha không mất gì nhưng thấy mất gì đó. Cha tới cơ quan và bỗng cảm thấy hụt chân như những bậc thang biến đâu rồi. Anh tài xế bước vượt lên, cười hỏi, bữa qua nhậu dữ lắm sao mà sáng nay thấy anh lờ đờ vậy? Cha lượng sượng ờ ờ. Một tháng sau, khi cái gameshow có nhỏ con thi được phát sóng trên truyền hình, anh lái xe sẽ kín đáo cười với cô thủ quỹ ế chồng khi thoáng bóng cha qua cửa, thấy tướng vậy mà cũng dở òm. Hàng trăm triệu dân trên đất nước này sẽ biết người viết ra những trang văn đầy góc cạnh nóng bỏng, thấu đáo mọi sự được mất, triết lý xâu xa, là một người mất căn bản trầm trọng về… chuồn chuồn.
Buổi chiều lại, cha không vào cơ quan, cha chạy xe về quê. Cha ngồi trong khoảng vườn đượm nắng chiều, nơi cha vẫn thường về khi mệt mỏi hay căng thẳng, tuyệt vọng, nhìn chuồn chuồn đậu trên đám chà trong ao, cào cào búng trên những bụi cỏ ống, mấy con ong ve vãn bông đậu bắp. Bây giờ thì cha nhìn đăm đắm nấm mộ của bà nội, cha rầu rĩ, phải má không chết sớm thì chắc mình đã biết vụ chuồn chuồn đạp nước rồi. Thành ngữ được lưu truyền trên môi những bà già quê mà.
Cha ở với đám chuồn chuồn cào cào ong mật suốt cả cơn nắng tắt, nghĩ mông lung, tụi chuồn chuồn đã chơi với mình suốt một tuổi thơ sao không đẻ cho mình thấy, hay là mình đã từng thấy nhưng cuộc sống thành thị khiến mình quên đi, tại sao không quên chuyện gì khác mà quên chuyện chuồn chuồn đạp nước? Có quá nhiều chuyện nhân tình thế thái mà cha không quên, có nhiều thằng cha xỏ lá cà khịa đâm sau lưng cha, đáng lẽ nên quên đi cười trọn nụ, để đời nhẹ nhỏm mà cha không quên, thì sao lại quên vụ này? Cha thẩn thờ trở vô nhà đúng lúc chú Út cà xình cà xang từ đằng xóm về, chú say. Cha đã viết cả một tiểu thuyết dài về đứa em này, một điển hình của sự thoái hóa của nông thôn. Những sòng nhậu đông đúc buổi sớm mai, những người nông dân bị mất cảm giác về đất, những bạo hành trong cơn say. Cuốn sách đó cha có đem về nhưng chú không đọc, mà nếu đọc thì chú cũng chẳng hiểu cha đang viết cái gì.
Cuộc đời cha là một sự cao quý xa vời đối với chú Út. Nên thấy mặt cha, chú lấm lét, cố vịn vách để đứng cho vững, để chứng tỏ mình chỉ uống chút xíu thôi. Bình thường, cha luôn ở trước mặt em mình với tư thế đĩnh đạc, miệng thì gầm gừ, mầy hư kiểu này ba má dưới chín suối làm sao yên được. Bình thường thì thím đứng tựa bếp nhìn cái cảnh anh em rầy rà, thím thấy thỏa thuê, sung sướng. Thím hay bồng con ra chợ xã gọi điện thoại méc cha vụ này vụ nọ, thím nói bây giờ thì chú chỉ nghe mỗi mình cha thôi.
Nhưng cha hoàn toàn câm lặng, chiều nay. Cha nín thinh ngó chú đang trùng trình bên vách, rồi lủi thủi dẫn xe qua cây cầu tre cọt kẹt. Thím nguýt chồng, “đọ, sáng mắt chưa, nhậu nhẹt tới mức anh Hai giận bỏ về rồi kìa”. Cha ngoái lại, tự hỏi, sau khi biết vụ chuồn chuồn đạp nước, không biết cô em dâu của mình có còn gọi điện nữa không?
Cha đã đi qua ba bảy hai mốt bình minh, luôn thức dậy với nỗi tuyệt vọng mình còn nhớ. Ông bạn nhà thơ thấy cha gầy sọp, la lên, “trời đất, không chừng vợ con mầy đã đi khỏi cái trường quay đó rồi, sao mầy còn ở lại hoài chi cho khổ vậy?”
Cha nói, công việc khiến tôi là cái thứ dễ bị thương tổn. Cha cũng muốn đi khỏi cái giây phút nghiệt ngã đó. Cha muốn quên nó đi, chuyện nhỏ như con thỏ mà. Cha nói thầm, ừ, quên thì quên, mình có phải thần thánh đâu mà chuyện gì cũng biết. Sai lầm chỉ một chút từ a tới b thôi. Cha về nhà, huýt sáo bài hát yêu thích để cho mình phấn chấn trở lại, ngồi viết một truyện ngắn mang tên “Quan trường”, “để trả lời câu hỏi của con, đấy có phải vũng bùn không mà ai cũng lấm lem khi bước vào”. Cha đọc lại câu dẫn nhập và nghĩ, mình thôi không viết về nông thôn nữa. Thấp thoáng những cánh chuồn chao trên mặt ao bèo. Sợ phải nhớ chuyện mình đã cố quên, cha bỏ ngang, lấy cái phim chân dung Đài tỉnh làm về mình ra coi lại. Nhưng tới cái cảnh cha đang đọc bản thảo còn mẹ với nhỏ con thì ngồi gần đó, lắng nghe mê say, ánh mắt của hai người họ đắm chìm trong ngưỡng mộ, cha bỗng hoang mang. Bầy chuồn chuồn chấp chới trong lòng.
Cha nhớ có lần mình đốt con cúi lấy tổ ong vò vẽ trên cây khế, nhỏ con đã nhìn cha như một anh hùng.
Cha nhớ có lần dầm mưa sửa lại cái máng xối, mẹ đã nịnh nọt, “nhà văn mà làm được mấy chuyện này không phải dễ kiếm à nghen”.
Cha nhớ hàng trăm chuyện vụn vặt như vậy. Nhưng bây giờ, cha có hái mặt trăng xuống thì cũng không chắc hai người phụ nữ đó có nhìn mình được như xưa, sau sự cố chuồn chuồn.
Cha bắt đầu vùi đầu vào sách. Cha đọc nhiều tới mức lên mâm cơm là nói vanh vách những hiện tượng thiên nhiên, lịch sử những kỳ quan thế giới, kết cấu của tầng địa chất, sự diệt vong của khủng long ăn thịt và voi mammoth, nguy cơ của loài chim cánh cụt khi Bắc Cực tan băng. Đặc biệt là chuồn chuồn và những gì có liên quan tới chuồn chuồn, thí dụ như “chuồn chuồn bay thấp thì mưa. Bay cao thì nắng bay vừa thì râm” (đám bạn của cha lúc nhậu sương sương ba mớ thì nhại vầy “chuồn chuồn bay thấp thì cao. Bay cao thi thấp bay vừa thì thôi”). Cái đó thông dụng không tính, nhưng một bữa nhỏ con không có nhà, mẹ về hỏi Duyên Anh đâu, cha nhấm nhẳn, “lúc này chắc có người yêu hay sao, như tổ con chuồn chuồn”. Mẹ chưng hửng:
- Là sao? Hỏng hiểu?
Cha cười mủm mỉm, ủa, hỏng biết thiệt hả, nghĩa là bí ẩn đó, có đời nào người ta biết hay người ta thấy cái tổ con chuồn chuồn làm sao đâu. Mẹ hứ một tiếng, trong mắt không hiện ra nể trọng gì, chỉ ánh lên mấy chữ, ông chồng ngớ ngẩn, ăn nói không giống ai.
Cha thấy tuyệt vọng với mớ kiến thức của mình. Buồn quá, lại gọi ông bạn nhà thơ ra quán quen. Đang nghe bạn đọc bài thơ mới làm, cha bỗng sực nhớ, giờ này, trên kênh Khám phá đang có chương trình sự sinh sản của gấu trúc. Mình không thể bỏ lỡ, biết đâu nhỏ con lại cần mình trong một câu hỏi cắc cớ của chương trình cắc cớ nào đó, và trong lúc con bối rối, mình sẽ giúp nó đem về mười lăm, hai chục triệu gọn hơ.
Cha bỏ bài thơ giữa chừng. Về nhà đúng lúc ti vi chiếu lại giây phút huy hoàng của nhỏ con khi nhận tấm sec. Cha tháo một chiếc giày rồi khập khựng nửa muốn vào nửa không. Nhỏ con càu nhàu, nói không thèm lên truyền hình nữa, nó không ăn ảnh lắm, mặt lại nhiều mụn, dòm không đẹp như ngoài đời.
Cha ra ngồi dưới giàn huỳnh anh, run rẩy châm thuốc hút, tàn đóm rụng xuống chiếc giày còn lại.Trời tối mịt, mà chuồn chuồn vẫn bay rợp lòng. Hay vì chuồn chuồn nhiều quá nên khiến trời tối mịt? Cha cũng không biết nữa.


Nghe audio
Đó là một truyện ngắn, còn dưới đây là một câu chuyện có thật.
"Tôi phải trả giá khi thi tài năng trên truyền hình
Trả lời sai ngay câu hỏi đầu tiên, tôi bị loại trong sự ngỡ ngàng của chính bản thân và những người quen biết. Trời ơi, phải nói là tôi cảm thấy vô cùng ê chề."
Cách đây mấy năm, khi tôi đang công tác tại một bệnh viện lớn của TP Hồ Chí Minh, trên truyền hình bắt đầu có game show mới rất hấp dẫn, đó là ĐTMT. Cả gia đình tôi theo dõi say sưa. Tôi thường gào thét mỗi khi người thi trả lời sai: sao kém thế, dễ thế mà không biết, quá kém, lại chọn câu dễ à, hèn thế…

Mà quả thật, tôi thường xuyên trả lời đúng tất cả các câu hỏi cho tới tận vòng cuối cùng. Vợ con tôi vô cùng ngưỡng mộ kiến thức uyên bác của tôi. Hai đứa con tôi cứ xuýt xoa: sao bố không đi thi, đi thi cho người ta biết mặt.

Cầu được ước thấy, mấy tháng sau công đoàn bệnh viện tôi liên hệ được đi tham dự cuộc thi trên truyền hình. Khỏi phải nói mọi người cũng biết tôi và gia đình đã kỳ vọng vào chiến thắng như thế nào.

Vào cuộc thi, sau phần test, tôi vô cùng may mắn được chọn lên ghế nóng ngay đầu tiên. Sau một câu hỏi khởi động rất dễ, vào phần thi kiến thức, tôi chọn phần khó nhất là Lịch sử, và trong phần Lịch sử này, tôi chọn ngay cấp độ khó nhất.

Và khi đọc xong câu hỏi tôi ngay lập tức đưa ra câu trả lời, mặc dù người dẫn chương trình tha thiết nhắc đi nhắc lại tôi còn nhiều sự trợ giúp. Tôi còn nhớ câu hỏi: Vị vua nào vừa là một danh tướng vừa là một nhà thơ, trong đáp án có vua Trần Nhân Tông và Lê Thánh Tông, tôi chọn vua Lê Thánh Tông.

Nhưng khi đèn sáng, đáp án của tôi là SAI, tôi bị loại khỏi cuộc chơi. Trời ơi, phải nói là tôi cảm thấy vô cùng ê chề. Sự ê chề chưa dừng ở đó, khi phát sóng chương trình, họ hàng bạn bè tôi ở Hà Nội thấy tôi trên tivi đã í ới gọi nhau mở ngay tivi để xem, nhưng mọi người chưa kịp ngồi xuống ghế thì tôi đã bị loại, mà bố mẹ tôi thường tự hào từ bé rằng tôi là đứa thông minh sáng dạ nhất nhà!

Ở bệnh viện mọi người nhìn tôi mỉm cười ý nhị. Còn ở nhà thì khỏi phải nói, vợ tôi hả hê ra mặt, còn hai đứa con không ngớt lời chê bố.

Vì cũng lớn tuổi nên tôi cũng vượt qua được sự xấu hổ và âm thầm rút ra được bài học cho mình. Giá như tôi đừng quá kiêu căng, hiếu thắng thì có khi tôi đã đi tới được vòng cuối.

Tôi còn nhớ sau khi ra hậu trường phòng quay, người đạo diễn đã nói với tôi, bọn em rất hi vọng ở phần thi của anh vì phần thi test anh trả lời đúng hết, và tôi nhớ lại ánh mắt rất lạ của người dẫn chương trình khi hỏi tôi có thay đổi quyết định không!

Tôi đã nhận được bài học rất đau đớn cho sự kiêu ngạo của mình. Hậu quả của nó không chỉ dừng ở đấy, tôi cảm thấy sự đối xử của nhân viên, đồng nghiệp với mình sau chuyện này có phần giảm đi sự tôn trọng. Tôi đã phải trả giá.

Truyền hình thực tế là vậy, nó rất khắc nghiệt vì phơi bày con người thật của mình ra cho toàn dân thiên hạ biết và bình phẩm. Nhưng nó cũng rất bổ ích vì qua một con người cụ thể nó đem lại bài học cho bao người khác.

Sau cái lần thi ấy tôi trở nên khiêm tốn và bao dung hơn. Nhưng mỗi khi nhớ lại chuyện này tôi vẫn không ngớt tự dày vò bản thân: có nhất thiết phải trả giá như thế không?

Nguồn: VnexpressVanhoadoc

Các bài liên quan



0 nhận xét:

Đăng nhận xét