9/6/14

(Xanh) Nhắc nhở nhẹ nhàng: Câu chuyện nho nhỏ dễ thương này sẽ làm mất của bạn 3 phút 50 giây. Bạn có đủ thời gian, đúng hông?


Ba tôi là nhân viên bảo vệ của một trường tiểu học.
So với việc trước đó ba là quản đốc một xưởng cơ khí khá lớn, chỉ đạo công việc cho vài chục nhân công thì đây là một bước ngoặt đối với ba và với cả gia đình tôi. Ba từng quản lý hết thảy mọi việc trong xưởng, như một ông “thợ đụng”, tức là đụng đâu làm đó. Từ tính công, trả lương thợ, trông coi các quy trình làm ra sản phẩm, xuất hàng, thậm chí kiêm luôn vai trò sửa chữa các dàn máy móc công nghiệp nặng hàng tấn. Vì là một doanh nghiệp gia đình nên sau một vài xích mích nội bộ, ba tự ái, quyết định nghỉ làm hẳn. Ba ở nhà vài tháng, khi thì đọc sách, khi thì ngồi một mình trong lặng lẽ. Rồi cậu tôi giới thiệu cho ba làm bảo vệ tại một trường học, gọi là để giết thời gian.

Tôi có cảm giác ba đang rất vui với công việc hiện tại của mình. Ở trường học, ba có cả một xã hội thu nhỏ để giao tiếp chứ không như khi ông làm ở xưởng. Ngày trước, vì không yên tâm giao xưởng cho ai trông coi, nên ba phải “cố thủ” ở đó, một tuần về nhà một lần vào chiều muộn thứ bảy, sáng sớm thứ 2 lại gói ghém đồ quay lại đó. Vì xưởng cơ khí ồn ào, nên chính quyền buộc doanh nghiệp phải đặt xưởng cách xa khu đô thị. Mỗi lần lên thăm ba hay mang ít đồ quần áo, đồ dùng cá nhân lên cho ba, tôi có cảm giác như ba đang sống giữa thời đại rừng rú gì đó. Xưởng ở Hóc Môn chỉ cách nhà tôi cũng hai chục cây số hơn, mà cứ như một miền quê hẻo lánh. Bảy giờ tối người ta đã đóng chặt cửa, tám giờ mắc mùng đi ngủ… Chán kinh khủng. Ba ở đó một thời gian, tôi thấy ba lù đù và “chậm tiến” quá trời quá đất. Thế là nhân dịp xích mích gia đình, nhà tôi khuyến khích bà nghỉ luôn. Giờ thấy ba hoạt bát, các mối quan hệ xã hội mở rộng ra rất nhiều. Ba luôn có những câu chuyện nho nhỏ khiến ba cười hỉ hả khi kể lại cho chúng tôi vào những bữa cơm chiều.
Những đứa trẻ lên bảy, lên mười không bao giờ gọi ba tôi là “bác bảo vệ” hay “chú bảo vệ”. Chúng gọi ba bằng “thầy”. Lũ trẻ yêu quý ba tôi ra mặt. Có lẽ vì ba hiền, rất hiền là đằng khác. Những hôm vào trúng ca trực của ba tôi, bọn lũ trẻ xúm xít quanh cái phòng bảo vệ như vỡ chợ: “Thầy ơi, bạn A đánh con. Thầy la bạn đi thầy”, “Thầy ơi, cho con mượn điện thoại gọi cho má con”, “Thầy ơi, cho con năm ngàn mua bánh đi thầy”… Ba tôi chưa từ chối đứa nào cả.
thaybaove1
Có lần, khi tôi đem cơm trưa cho ba, thấy có thằng nhóc to xác nọ ngồi chóc ngóc ngay ghế đá trước cửa phòng bảo vệ. Chắc má nó đón trễ. Nó ngóc đầu nhìn ba tôi, giọng sầu thảm lắm: “Thầy ơi, con đói bụng”. Ba tôi liền ngoắc nó vào, đưa phần cơm của mình cho nó ăn ngon lành. Tụi học trò không chỉ xem ba tôi như một người thầy, mà còn là người nhà, thậm chí là một người bạn. Chúng kể cho ba tôi nghe chuyện ba má chúng cãi nhau, chuyện “Con thích bạn Nhi đó thầy” cho đến chuyện “Thầy ơi con chó nhà con bị bệnh”…
Phụ huynh của bọn nhóc cũng không ngoại lệ. Họ hay hỏi han ba tôi về tình hình con cái họ, như thể ba tôi là giáo viên chủ nhiệm của chúng, dù họ biết rõ là không phải. Nếu thằng láu táu nọ xin ba tôi năm ngàn để mua bánh, thì khi đón nó, má nó sẽ gửi cho ba tôi một, hai trăm ngàn. Má nó bảo “Thầy cứ giữ để mốt tui có rước nó trễ thì nó vào xin thầy một ít ăn quà vặt”. Ba tôi chỉ cười hề hề khua tay, nói chứ tụi nó thì ăn vặt bao nhiêu mà cô đưa nhiều vậy. Thôi, cầm về đi, cầm về mua siêu nhân cho nó. Thế là từ đó, lâu lâu ba lại mang về nhà những món quà nho nhỏ, khi thì hộp bánh, lúc thì gói cà phê mua từ những chuyến công tác vội. Họ quý ba tôi thật lòng. Như cái cách ba tôi yêu thương bọn trẻ thật lòng vậy.
thaybaove2
Nhìn bọn nhóc tíu tít quanh ba, tôi có cảm giác như tôi gặp lại ba của cái thời cách đây mười mấy hai mươi năm, khi tôi còn là đứa nhóc lóc chóc lên năm, lên mười như vậy. Đôi khi tôi tự hỏi, khi đứng giữa đám giặc nhí đó, có lúc nào ba có bồi hồi nhớ lại những ngày đầu tiên khi đưa chị em tôi đến trường, lúc chúng tôi vòi vĩnh đòi ba kể một câu chuyện trước khi ngủ, “phân xử” lúc chị em tôi giành đồ chơi hay dỗ dành hai đứa những lúc bị bạn bè bắt nạt?
Có lẽ là có. Vì tôi thấy ba hạnh phúc rạng ngời, trẻ ra bao nhiêu. Như thể ba không chỉ có hai đứa con gái, mà là cả trăm đứa nhỏ nhặng xị gọi “Thầy ơi”…
Ba không phải là một nhà giáo, ba chưa học sư phạm bao giờ. Nhưng đối với tôi, và cả lũ trẻ, ba dạy chúng tôi rất nhiều điều trong cuộc sống. Tôi học từ ba cách đọc và nâng niu một quyển sách, cách giúp đỡ những người xung quanh vô điều kiện, cách yêu thương gia đình, cách sử dụng nụ cười hề hề của mình để làm mọi chuyện nhẹ nhàng hơn…
Năm nay là 20/11 thứ tư của ba ở trường. Tôi chưa thấy ở trường nào mà “thầy bảo vệ” được nhận nhiều quà như ba tôi. Năm nào ba má tụi nhóc cũng chuẩn bị hai món quà, một món cho thầy cô chủ nhiệm, một món cho ba tôi. Những món quà của ba tôi thường do chính tụi nhỏ chọn. Nhìn mấy cục xà bông gói thiệt đẹp, kèm theo tấm thiệp viết nắn nót “Con kính tặng thầy”, có khi là chai Soffell với lời nhắn “Thầy xức để muỗi đừng cắn thầy nha” (thiệt ra là ba lớn tuổi, tay chân xuất hiện đồi mồi lốm đốm chứ chả có muỗi nào cắn cả). Ba tôi luôn giữ những tấm thiệp đầy nét chữ học trò nguệch ngoạc, hay tấm hình bằng bút màu trên giấy A4, vẽ ba tôi nắm tay chúng đi giữa sân trường…
thaybaove3
Năm nay, tôi quyết định làm điều gì đó khác hơn một chút so với việc ngồi ngắm ba tỉ mẩn tháo từng món quà của lũ học trò để tránh làm rách thiệp của chúng. Tôi sẽ viết về ba, để cám ơn ba và tất cả những nhà giáo, bằng cách này hay cách khác đã dạy cho tôi những bài học quý báu trong đời.
Có ba làm “thầy bảo vệ” rất tuyệt mà! Thật đấy.

Các bài liên quan



0 nhận xét:

Đăng nhận xét