24/9/20


Cánh đồng làng ta đẹp quá
Phụng viện quê mình chẳng lạ mà quen
Mời bạn đến để ngắm xem
Con đường đồng rất thân quen thủa nào
Mênh mông biển lúa dạt dào
Một màu xanh biếc ẩn vào tuổi thơ

Đồng làng có tự bao giờ
Để cha mang cả giấc mơ đi cày
Để mẹ phơi tấm lưng gày
Hai sương một nắng mong ngày ấm no
Đường trơn gánh lúa thì to
Nặng vai mẹ gánh về kho thóc vàng
Những ngày trời nắng chang chang
Nóng như đổ lửa cua càng ngoi lên
Cha thì bừa cánh đồng trên
Mẹ cấy đồng dưới con bên đàn bò
Xoay vần mà chẳng được no
Cả nhà lặn lội thân cò ăn đêm ...

Từ ngày đổi mới vươn lên
Tiếng máy rộn rã chạy trên ruộng cầy
Kênh mương dẫn nước đã xây
Đường bê tông chẳng lội lầy như xưa
Dù trời đổ nắng hay mưa
Máy gặt sạch thóc chở vừa về sân
Tình làng nghĩa xóm ân cần
Ấm no hạnh phúc nhiều phần hơn xưa

Hôm nay trời lất phất mưa
Mơ thấy cảnh cũ như vừa hôm qua
Còn đây hình bóng cây đa
Xiêu xiêu dáng mẹ bóng nhòa đồng xưa.

Phạm Thế Mạo

LTS: Tòa soạn đã nhận được bài viết thể hiện quan điểm của Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, thực hiện theo đề nghị của thầy Ngô Văn Minh (Giáo viên toán Trung học Cơ sở Archimedes) bàn về cách nâng cao chất lượng giảng dạy môn hình học tại Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng là một nhà toán học người Việt tại thành phố Toulouse (Cộng hòa Pháp), được phong Giáo sư vào năm 2002 khi 32 tuổi, và được phong thành Giáo sư ngoại hạng (classe exceptionnelle) vào năm 2015.
Ông từng đạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế (IMO) năm 1985 tại Phần Lan khi mới 14 tuổi, và là học sinh đạt Huy chương Vàng IMO trẻ nhất của Việt Nam từ trước tới nay.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Các học sinh đi thi toán quốc tế IMO của Việt Nam thường mạnh về hình học sơ cấp mà yếu về toán tổ hợp so với các nước khác.
Lý do là toán tổ hợp đòi hỏi suy nghĩ sáng tạo, còn các bài toán hình học sơ cấp thường chỉ cần được luyện nhiều là làm được, hợp với kiểu học và luyện thi hiện tại của Việt Nam.
Nhưng đó là nói về học sinh thi toán quốc tế, còn đối với rất nhiều học sinh khác, thì môn hình học lại là một môn khó, đáng sợ hơn môn đại số. Thậm chí có những học sinh thuộc diện thủ khoa đầu vào Trung học Cơ sở các trường TOP như Hanoi Amsterdam cũng cảm thấy thiếu tự tin khi gặp các bài toán hình học. Vì sao vậy?
Theo thầy Nguyễn Khắc Minh (chuyên gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo), một lý do chính là cách dạy hiện nay.
Đi vào phân tích kỹ hơn, chúng ta có thể nhận thấy một số nhược điểm trong cách dạy môn hình học phổ biến hiện nay như sau:
1) Không tạo được cảm hứng cho học trò.
2) Thiếu cơ bản, dập khuôn giải các dạng bài thay vì chú trọng đến việc hiểu cốt lõi vấn đề.
3) Cô lập, không chỉ ra các ứng dụng và sự liên quan đến những thứ khác.
4) Quá hình thức, không kích thích phát triển khả năng hình dung hình học.
Tôi xin đưa ra đây một số chi tiết và ví dụ minh họa, cũng là để bàn về việc nên thay đổi cách dạy (và cách học) như thế nào cho hấp dẫn và hiệu quả hơn.

Trước hết, về Điểm 4:
Tất nhiên, cả 4 điểm trên đều có thể nói cho việc dạy mọi môn khác chứ không riêng hình học. Điểm đặc biệt của hình học nằm ở chỗ nó không những sử dụng suy luận logic mà còn đòi hỏi cao và phát triển mạnh khả năng hình dung hình học trực giác (Tư duy hình dung trực giác ở các môn khác cũng cần, nhưng đặc biệt trong hình học nó càng thể hiện rõ).
Nói về thần kinh học, thì tức là nó dùng cả não trái (tính toán logic) và não phải (trực giác hình học).
Tương tự như là trong máy tính và smartphone có cả “main processor” và “graphics processor” vậy, cả hai đều quan trọng để cho nó chạy nhanh chạy tốt. Nếu không vận dụng phần não phải thì tư duy hình học ắt bị ảnh hưởng nhiều.
Một lần tình cờ tôi xem trên youtube một bài giảng kéo dài khoảng một tiếng của một giáo viên Việt Nam về phép quay. Chỉ cần nghe một số phút đầu tiên tôi đã xác định thấy đây là một bài giảng chán, khiến học sinh sợ môn hình.
Ngay mở đầu bài giảng, giáo viên đã nói: “Phép quay là một vấn đề khó”.
Tiếp đó, giáo viên đưa ra định nghĩa phép quay một cách hình thức, kiểu như:
“Phép quay là một phép biến đổi trong mặt phẳng sao cho nó cố định một điểm A và nó biến mỗi điểm P thành một điểm P’ thỏa mãn những điều kiện sau: …” (trong lúc giáo viên nói định nghĩa đó, thì cũng không hề chỉ vào một hình nào để minh họa, mà chỉ nói như tụng kinh).
Định nghĩa này không sai, chỉ có điều nó không trực giác, khó theo dõi (nhớ được đủ các ký hiệu đã đủ mệt, chưa nói đến chuyện hiểu), và không thích hợp để làm điểm khởi đầu cho một bài giảng về phép quay.
Thay vào đó, có thể giảng như thế nào cho sinh động, dễ hiểu? Tôi xin đưa ra vài gợi ý:
- Đừng bao giờ nói “Cái này khó lắm”. Mọi khái niệm toán học ở phổ thông đều trong sáng, tự nhiên, chẳng có cái gì “khó lắm”.
Khó thì không phải là do bản thân kiến thức khó, mà cách tiếp cận không thích hợp biến cái dễ thành cái khó (và biến cái khó hơn thành cái không thể hiểu, xin trích ra đây một câu chuyện có thật: bản thân nhiều giảng viên Đại học không hiểu bản chất cái mình giảng).
- Phép quay là phép biến đổi rất tự nhiên mà học sinh trước khi đi học đã nhìn thấy tận mắt hàng ngày. Cần bắt đầu bởi những cái mà học sinh đã biết đó: bánh xe đạp quay, kim đồng hồ quay, cối xay quay…
Những cái đó có “khó” không? Sao không cầm một cái gì đó cắm vào một trục và quay nó trước mặt học sinh? Sẽ thật dễ hiểu và trực giác. Sẽ thấy ngay trục quay là điểm cố định, các điểm khác dời chuyển đi vì thỏa mãn các tính chất dễ thấy bằng trực giác.
Rồi sau đó mới đến đoạn kiểm tra các tính chất đó một cách chặt chẽ, viết thành định lý. Chú ý là chứng minh của một định lý dù có đúng cũng chưa chắc đã là cách giải thích hay ho cho học sinh hiểu.
Đầu tiên cần hiểu ý tưởng vì sao nó lại đúng, rồi mới đến chứng minh chặt chẽ, mới là quá trình tiếp cận hiệu quả hơn.
- Đưa ra một số ví dụ về việc phép quay cho phép chúng ta tìm ra lời giải đẹp đẽ nhanh gọn cho nhiều vấn đề như thế nào. Những ví dụ đó sẽ giúp học sinh thấy khái niệm này bổ ích, đáng nhớ, đáng học.
Chẳng hạn như ví dụ sau (xem hình đính kèm):
Ví dụ.

Cách giải bài trên theo lối “thông thường” mà học sinh Việt Nam được học sẽ thông qua việc chứng minh các tam giác bằng nhau (ví dụ tam giác OAP bằng tam giác ODQ theo tiêu chuẩn c-g-c) và gồm nhiều bước. Nhưng nếu quan sát sẽ thấy ở đây ta có phép quay 90 độ quanh O, và nó phải biến điểm Q thành điểm P.
Lời giải theo phép quay này là lời giải tự nhiên nhất và gọn gàng nhất: Phép quay 90 độ quanh O theo chiều dương biến D vào A, biến A vào B. Do đó nó biến đường thằng DQ vào đường thẳng AE (vì hai đường này tạo với nhau một góc 90 độ bằng với góc quay), biến đường thẳng AE vào đường thẳng BP (với lý do tương tự), do đó nó biến giao điểm của hai đường DQ và AE (tức là điểm Q) vào giao diểm của hai đường AE và BP (tức là điểm P).
Suy ra OQ quay thành OP theo phép quay 90 độ, tức là OQ = OP và góc QOP bằng 90 độ.
Bài tập trên lấy từ một quyển sách rất hay về hình học sơ cấp nhan đề “Xung quanh phép quay – Hướng dẫn môn hình học sơ cấp”, được Giáo sư Nguyễn Hùng Sơn và Giáo sư Nguyễn Sinh Hoa (Đại học Tổng hợp Warszawa, Ba Lan) giới thiệu và dịch ra tiếng Việt.
Tác giả của nó là Giáo sư Waldemar Pompe (cũng của Đại học Tổng hợp Warszawa), người phụ trách đội tuyển IMO của Ba Lan trong nhiều năm. Tuy gọi là “phép quay” nhưng thực ra sách giới thiệu công dụng của các phép dời hình nói chung (cả quay, tịnh tiến và đối xứng gương) trong hình học phẳng.
Như Pompe có viết, hầu hết các định lý hình học sơ cấp suy ra được từ hai quan sát cơ bản: quan sát thứ nhất là bất đẳng thức tam giác, và quan sát thứ hai là các phép dời hình vừa kể trên là các phép bảo toàn các số đo hình học.
Các tiếp cận hình học này vừa tự nhiên vừa hiện đại, và cho phép hiểu và giải quyết một cách đẹp đẽ nhiều vấn đề hình học khác nhau, ví dụ như bài toán tối ưu sau (gọi là bài toán Fermat): Có ba cái nhà (3 đỉnh của tam giác) trên mặt phẳng. Hãy tìm đường ngắn nhất nối 3 cái nhà đó với nhau.
Có vị ở Việt Nam phô trương là dạy được toán cao cấp như là lý thuyết nhóm cho học sinh cấp 1 bằng “công nghệ giáo dục” của mình. “
Công nghệ” dạy đó như thế nào? Hoàn toàn hình thức. Đưa ra định nghĩa hình thức về nhóm (như là có thể tìm thấy trong các sách về đại số cao cấp), rồi đưa ra mấy ví dụ hình thức bắt học trò kiểm tra nó thỏa mãn cái định nghĩa trên để kết luận đó là nhóm.
Cách dạy đó là cách dạy vô nghĩa, không làm cho học sinh hiểu bản chất vấn đề, không biết nhóm dùng để làm gì, tại sao lại phải học nó.
Trong khi đó, các phép dịch chuyển trong hình học chính là các phần tử của các nhóm đối xứng, và việc quan sát tác động của chúng, sử dụng các tính chất của chúng để giải quyết các vấn đề mới làm cho chúng trở nên có nghĩa, sinh động.

Về Điểm 3:

Trong khuôn khổ có hạn của sách giáo khoa hiện tại, có thể không có nhiều chỗ cho việc giới thiệu các ứng dụng và xuất phát điểm của các khái niệm hình học.
Nhưng nếu vậy thì cần thêm sách tham khảo cho học sinh đọc để biết nhiều thêm về ứng dụng thực tế của hình học ra sao, và giáo viên nên nhắc đến chúng khi giảng bài chứ không sẽ thành “lý thuyết suông”.
Một bạn kể rằng, khi học phổ thông học hình học chẳng hiểu gì cả, nhưng khi vào đại học phải học môn đồ họa, tự nhiên thấy hình học dễ hiểu hẳn. Tại sao lại không nhắc đến hình họa trong hình học?
Không chỉ hình hoạ, mà rất nhiều vấn đề “thường ngày” khác cần đến kiến thức hình học sơ cấp.
Chẳng hạn như xây tường để khỏi đổ thì tường phải đứng thẳng, tức là vuông góc với mặt đất. Mặt bàn thì phải đặt nằm ngang, tức là song song với mặt đất nếu không muốn các thứ đặt trên đó bị lăn trượt đi, bánh xe đạp thì phải tròn thì mới lăn tốt mà xe không bị nhấp nhô…
Các khái niệm hình học đều có thể lấy ví dụ từ thực tế khá gần gũi. Bản thân từ hình học trong các thứ tiếng Tây là “geometry” có nghĩa là “đo đất đai”, là môn học dùng để đo đạc ruộng đất, nhà cửa… nên rất dễ lấy ví dụ thực tế.
Gần đây tôi có viết một quyển sách nhan đề “Toán học và Nghệ thuật”, trong đó có nhiều ví dụ thực tế về việc hình học ảnh hưởng trực tiếp đến các nghệ thuật tạo hình và kiến trúc ra sao. Đây là sách viết về toán nhưng cho những người không cần có kiến thức chuẩn bị gì về toán, và mục đích chính là để gây cảm hứng, cho thấy toán học có ý nghĩa ra sao (trong nghệ thuật).
Hy vọng bạn đọc sẽ thích nó, đặc biệt nếu đang sợ hình học!
(“Nghịch lý cột đền” về chuyện cột ở giữa trông có vẻ nhỏ hơn các cột bên cạnh tuy thực ra chúng bằng nhau, và ảo giác về zombi to nhỏ khác nhau, là hai trong số nhiều ví dụ về hình học sơ cấp được giải thích trong sách “Toán học và nghệ thuật”).
Chẳng hạn như môn “hình học xạ ảnh” nảy sinh chính từ việc vẽ phối cảnh hình sao cho trông giống như thật.
Từ “xạ ảnh” gốc Hán Việt nghe kỳ bí, khó hiểu, tuy thực tế không đến mức khó hiểu như vậy. Tiếng Tây của từ này là “projective”, có nghĩa là phép chiếu, tức là hình học của các phép chiếu.
Khi vẽ hình một đồ vật hay phong cảnh (3 chiều) nào đó, là ta đã chiếu nó lên tờ giấy hay khung tranh 2 chiều.
Chính vì thế muốn vẽ đẹp, vẽ đúng, cần biết một số nguyên tắc cơ bản của hình học phép chiếu (tức là hình học xạ ảnh). Ở trường phổ thông cũng có môn học vẽ, nhưng có lẽ thầy giáo vẽ chẳng bao giờ đả động đến kiến thức phép chiếu của hình học, còn thầy hình học chẳng đả động đến điêu khắc, hội họa hay vẽ kỹ thuật.
Tạo được sự tương tác thì học sinh sẽ học tốt hơn, hiểu rõ hơn cả hình học lẫn các môn kia.

Về Điểm 2:
Cách học “ăn sổi”, “mì ăn liền”, chạy theo điểm số ở Việt Nam là một trong những lý do khiến học sinh học hời hợt, có thể giải bài tập (những dạng bài được làm đi làm lại nhiều lần, hoặc có trong quyển sách luyện thi nào đó) như cái máy mà không hiểu bản chất vấn đề. Điều này thực sự đáng ngại, và càng học lên cao và khi ra ngoài làm việc càng lộ rõ.
Có những khi tôi phỏng vấn những sinh viên cao học ngành toán thuộc loại xuất sắc của Việt Nam (cho việc du học tại Pháp), sinh viên kể đã học những môn “rất cao cấp”, nhưng khi hỏi một số câu hỏi khá cơ bản (cao cấp vừa phải thôi) thì không trả lời được, chứng tỏ học vội vàng và hổng nhiều.
Trong môn hình học ở bậc phổ thông, tình trạng có lẽ cũng tương tự như vậy, chạy theo điểm số hình thức mà bỏ qua bản chất của kiến thức.
Tôi thử lấy một bài tập ví dụ, nếu học sinh hay thầy cô nào quan tâm thí nghiệm thử xem sao:
- Hãy tự chứng minh các tính chất đồng quy của các bộ ba đường cao, ba đường trung tuyến, ba đường trung trực, và ba đường phân giác.
- Tại sao nếu biết 3 cạnh của một hình tam giác thì xác định được diện tích của nó?
Tất nhiên, những câu hỏi trên có tính lý thuyết và đã đều có phát biểu và chứng minh trong sách.
Nhưng hãy thử không học thuộc lòng chứng minh của sách, tự mình khôi phục lại cách chứng minh bằng lập luận của mình, thì có làm được không? Hay lấy những bài tập đơn giản kiểu như:
- Có ba đoạn thẳng với độ dài tương ứng là 3, 4, 6 (cm). Dựng tam giác với độ dài các cạnh như vậy, nó là tam giác nhọn, hay vuông, hay tù? Vì sao? Tính diện tích của nó?
Nếu học sinh nào làm được, tức là hiểu đáng kể hình học phẳng, đừng quá bận tâm nếu không làm được các bài hình học rắm rối.
Chúng sẽ trở nên dễ dàng hơn một khi ta hiểu bản chất các khái niệm hình học, và học một vài phương pháp thông dụng để giải bải tập (ví dụ như phương pháp sử dụng phép đối xứng như bàn đến ở trên, phương pháp vẽ thêm đường phụ, và phương pháp quỹ tích).
Một trong những cuốn sách giáo khoa trình bày hình học sơ cấp một cách cơ bản, sáng sủa nhất mà tôi biết là cuốn “Hình học sơ cấp” của Kiselev (gồm hai phần, “Hình học phẳng” và “Hình học không gian”).
Các bài tập trong sách đó (mà sách có rất nhiều bài tập) chủ yếu là ở dạng cơ bản, không rắm rối, làm được là hiểu được bản chất hình học.
Thầy giáo Tôn Thân nổi tiếng khi xem sách Kiselev cũng trầm trồ khen đây là quyển sách rất hay.
Các bài mẹo mực dở ở chỗ nó làm lệch lạc nhận thức về việc đâu là kiến thức cơ bản quan trọng: học sinh dễ bị sa đà vào cái mẹo mực ít ý nghĩa thay vì cái cơ bản hữu dụng, và khi không làm được cái mẹo mực lại đâm thành sợ toán, ghét toán.
Các bài kiểm tra học sinh không nên quá rối rắm hay đòi hỏi nhiều mẹo mực.
Một hình minh họa từ sách “Hình học sơ cấp” của Kiselev, một quyển sách  rất cơ bản, không mẹo mực, và chứa rất nhiều kiến thức hay mà học sinh Việt Nam không được học.


Về điểm 1:
Các điểm 2, 3, 4 kể trên chính là những điểm góp phần làm học sinh mất hứng thú với hình học, tạo lại được cảm hứng cho học sinh là điều quan trọng, vì một khi có cảm hứng thì học sẽ nhanh vào.
Trong điều kiện mà cảm hứng tạo ra được trong giờ học chính thức có hạn, thì học sinh nên tìm hiểu thêm các hoạt động ngoại khóa sinh động, và đọc các sách tham khảo hấp dẫn.
Ở Việt Nam từ trước đến nay cũng đã có các quyển sách tham khảo thú vị, có tác dụng gợi mở cảm hứng, về toán học nói chung và hình học nói riêng.
Ví dụ như là quyển “Hình học vui” của Perelman, hay quyển “Thuyền trưởng đơn vị” của Levshin (Cả hai đều được dịch từ tiếng Nga, và người ta có thể chê nước Nga về thứ này thứ khác nhưng không thể phủ nhận là Nga có thời kỳ hoàng kim về toán và vật lý, phóng vệ tinh “Sputnik” vào vũ trụ trước Mỹ).
Tuy nhiên, theo tôi được biết, nếu như các sách giáo khoa dù hay dở ra sao cũng được in với số lượng hàng trăm nghìn bản mỗi lần, thì các sách tham khảo hay được phát hành với số lượng còn rất khiêm tốn (chỉ vài nghìn bản).
Trên thị trường sách tham khảo thì vẫn chủ yếu là các sách bài tập, luyện thi “mì ăn liền” chiếm ưu thế áp đảo, chứ lượng sách tham khảo có tính gợi mở, khơi dậy cảm hứng còn rất ít, trung bình có lẽ cứ hàng trăm học sinh thì mới có được một học sinh có sách như vậy, mà sách như vậy mới dễ đem lại cảm hứng cho học sinh.
Hy vọng tình hình sẽ thay đổi trong tương lai gần, tất nhiên học sinh có nhu cầu điểm cao để còn được vào trường tốt, nhưng kiểu học chỉ hướng tới điểm thi mà không có cảm hứng hay hiểu bản chất là kiểu học kém hiệu quả về lâu về dài.
Nếu muốn chuyển từ ghét hình học, sợ hình học sang thành thích hình học, thì đặc biệt cần những sách khác nữa, ví dụ như là những quyển sau:
Một tranh trong sách “Một ngày phiêu lưu trong thế giới toán học kỳ diệu” về ứng dụng hình học vào việc chữa sỏi thận.
-“Thuyền trưởng đơn vị” của Levshin: Câu chuyện du hành ly kỳ của chú bé Số Không, qua đó có những giải thích sinh động về điểm, đường, tiên đề, định lý, trọng tâm, các đường đặc biệt trong tam giác…
- “Một ngày phiêu lưu trong thế giới toán học kỳ diệu” của Akiyama và Ruiz: Có nói đến nhiều loại đường và mặt khác nhau xuất hiện trong thực tế ra sao, ví dụ như mặt của ăng ten parabol, mặt ellipsoid dùng trong máy chữa sỏi thận, các hình có độ rộng không đổi mà không nhất thiết phải tròn…

Ngô Văn Minh
Tên bài gốc "Làm theo các cách sau, môn hình học sẽ không còn là nỗi ám ảnh nữa" 

3/9/18

Người Pháp có câu "Vouloir, c'est pouvoir" - "Muốn là sẽ được". Câu nói này dường như rất gần với "Never give up!" - "Đừng từ bỏ". Nếu mong muốn đủ lớn, mục tiêu đủ cao cả và nghị lực đủ nhiều..., có lẽ mọi nghịch cảnh sẽ đều nằm dưới sức mạnh chinh phục của con người.


Năm 1994, Erin Gruwel - một giáo viên ngữ văn mới 23 tuổi và tràn đầy lý tưởng - về dạy tại trường trung học Wilson, Long Beach, bang California. Cô phải đương đầu với một lớp toàn học sinh cá biệt, những thành phần "hết thuốc chữa" và vô cùng nguy hiểm. 

Những đứa trẻ (hầu hết là da màu) lớn lên tại một thị trấn của nạn phân biệt chủng tộc, của những tay găngxtơ sẵn sàng xả súng chỉ vì sự khác biệt, của những ông bố bà mẹ thất học khốn khổ vì nhập cư trái phép. Không một ai trong số họ đã từng tốt nghiệp trung học, chứ đừng nói đến học đại học. Và mỗi ngày trôi qua, lại có những đứa trẻ trong vùng ngã xuống vì những vụ bạo động và nổ súng.

Học sinh của cô giáo Erin Gruwel trẻ tuổi thủ sẵn súng trong người khi bước ra ngoài đường phố. Có những em trốn học để hút chích, lang thang, có những em đánh vật với gia đình thiếu thốn và thậm chí phải ngủ ngoài đường. Những em còn lại thì thất vọng cùng cực. 

Cô giáo Erin Gruwel, nữ diễn viên  Hilary Swank và các học trò

Những đứa trẻ ấy nghĩ rằng cuộc đời của chúng đã chấm dứt. Thật khó để khơi gợi một niềm lạc quan, hy vọng, bởi cuộc sống của chúng chìm trong bóng tối, chán nản và bạo lực. Nhưng rồi, có 2 cuốn sách đã làm thay đổi cuộc đời chúng. 

Đó là 2 cuốn nhật kí có nhiều nét tương đồng của Anne Frank (đã mất) và Zlata Filipovic (hiện đang sống). Hai cô bé đã viết lại cuộc sống và mơ ước của mình trong chiến tranh với những dòng nhật kí cháy bỏng niềm khát khao được sống, và sống tốt. Cô giáo Erin Gruwel khuyến khích các em viết nhật kí. Viết nhật kí là sự trung thực với chính mình. Không có điều gì trung thực hơn. 

Đọc và viết. Đó là 2 điều đã làm thay đổi cả một thế hệ học sinh trong trường học. Những đứa trẻ bị ruồng bỏ được nhận vào những trường đại học danh giá bởi chính tài năng và quan điểm của mình.

Họ lấy tên gọi là "Những nhà văn tự do". Lần đầu tiên xuất bản (1999), cuốn nhật kí đã gây tiếng vang lớn trong nền giáo dục Mỹ. Cuốn sách liên tục tái bản và lọt top bán chạy của New York Times. Không những thế, cô giáo Erin Gruwel và Những nhà văn tự do còn giành được giải thưởng Tinh thần Anne Frank, trực tiếp gặp gỡ bộ trưởng Bộ giáo dục và nhà làm phim huyền thoại Steven Spielberg. Năm 2007, câu chuyện của họ được dựng thành phim "Nhật kí những nhà văn tự do" với vai chính thuộc về nữ diễn viên từng đoạt 2 giải Oscar - Hilary Swank.

* Trích đoạn dưới đây nằm trong cuốn sách "Viết lên hy vọng" (The Freedom Writers Diary) do cô giáo người Mỹ Erin Gruwel và các học sinh thực hiện. Bản dịch tiếng Việt bởi dịch giả Thu Huyền (Thaihabooks phát hành 2012).

Tập nhật kí được đánh số thứ tự chứ không đề tên học sinh đã viết ra nó, để bảo vệ danh tính các em trước những nỗi đau và sự thật bị phơi bày. 

Cô giáo và các học sinh
Nhật ký số 55

Nhật ký thân yêu, 

Cả tháng trước, bọn mình chỉ học về các nhà văn Mỹ như Ralph Waldo và Henry David Thoreau. Emerson viết về đề tài niềm tin vào bản thân. Ông từng viết thế này: "Đã là người, phải là người không theo lề thói nào". Lớp mình thực sự bị Emerson hấp dẫn vì cô Gruwel đang khuyến khích bọn mình trở thành những người suy nghĩ độc lập và thách thức uy quyền.

Mình ngạc nhiên sao triết lý của ông lại có thể đúng với mình nhiều đến thế. Suốt bốn năm qua, mình đã luôn tự đổ lỗi cho bản thân vì những việc mình không thể nào kiểm soát được.

Đó chỉ là những bi kịch không mong đợi giáng thẳng xuống đầu mình. Mình vẫn luôn đổ lỗi cho mình vì cái chết của bà. 

Mình chỉ mới 12 tuổi khi bà mất vì bị bỏng nặng bởi ngọn lửa được cho là do bố mình gây ra. Bà bị bỏng từ đầu tới chân. Bố rót dầu vào người bà và bật lò sưởi trong bếp lên. Bà bắt lửa ngay lập tức. Khi mình nhìn thấy bà, bà đã bị phồng rộp hết cả người và tóc bà đã cháy sém hết cả. Da bà đã cháy đen và tróc ra từng mảng. Bà khóc, nước mắt lăn dài trên má.

Mình có cảm giác tim mình muốn vỡ tung và bụng mình quặn thắt lại, vì mình cảm nhận được bà sắp mất. Cảm giác mất đi hai người mà mình thương yêu nhất trên thế giới này khiến mình như chết đi từ bên trong. 

.......

Sau cái chết của bà, mình không thể ngẩng đầu lên được. Bất cứ khi nào mình bước đi, mặt đất là tất cả những gì mình nhìn thấy. Các thành viên trong gia đình thường xuyên nhắc mình nhớ về sự ra đi của bà. Mình tìm cách để chấm dứt nỗi đau và luôn luôn tự hỏi mình những câu hỏi như "Sao bố mình lại xử sự như vậy? Sao ông ta lại để lại mình với mặc cảm tội lỗi đó? Mình không hiểu ông ta đang nghĩ gì nữa. Liệu ông ta có suy nghĩ cho mình không?"

Khi Emerson kết thúc bài luận với câu "Vĩ đại là bị hiểu lầm", mình đã nghĩ, không biết bao nhiêu người đã hiểu lầm mình. Không có ai thực sự hiểu mình cảm thấy thế nào. Họ quá quan tâm đến suy nghĩ của bản thân họ. Mình thấy khó chịu vì họ thậm chí còn không tìm cách hiểu mình. Sâu thẳm trong tâm can, mình chỉ là một cô bé đang sợ hãi và bị hiểu lầm. 

Có thể bị hiểu lầm cũng không phải là điều gì tệ lắm. Giờ đã đến lúc mình phải học cách làm chủ và tự tin vào bản thân mình. 

Nhật ký số 129

Nhật ký thân yêu,

Bọn mình vừa dành được giải thưởng Micah của Hội đồng người Do thái ở Mỹ cho việc đấu tranh vì sự bất công trong xã hội của bọn mình. Bên ngoài thư mời có nói "Bất cứ ai cứu một mạng sống cũng là cứu toàn bộ nhân loại".

Câu nói này chắc chắn là một trong những câu nói có sức mạnh lớn lao nhất mà mình từng đọc. Vì im lặng, dân Đức quốc xã đã hành hạ sáu triệu linh hồn vô tội cho đến chết. Cũng vì im lặng, hơn một triệu người đã bỏ mạng trong suốt thời đại tàn ác của Khơme Đỏ. Cũng bởi im lặng, hai cô bé vô tội đã bị ạm dụng tình dục. Sự im lặng đồng nghĩa với việc lịch sử sẽ lặp lại. 

Giành được giải thưởng Micah đã khiến mình có sự thay đổi quyết định trong cuộc đời mình, và mình sẽ không im lặng nữa. 

Sau 9 năm tổn thương, cuối cùng mình cũng đã quyết định làm điều mình sợ hãi nhất - nói ra sự thật. Với tất cả sự sợ hãi trong trái tim, mình thu hết dũng khí để nói với mẹ rằng mình đã bị cưỡng hiếp. Mình bị lạm dụng lúc mới có 9 tuổi. Nhưng phải mất 9 năm mình mới có thể nói vẻ điều đó. Phần đau thương nhất của câu chuyện đó là thủ phạm chính là người gia đình mình tin tưởng - người trông trẻ - người đã làm hại mình trong chính ngôi nhà của mình.

Mới đây, mình tham dự một bữa tiệc với em họ mình. Mình hỏi em đã bao giờ bị lạm dụng chưa. Mình không dám tin rằng mình đã hỏi cô bé điều đó. Mình sợ hãi trước câu trả lời của em bởi mình không muốn ai khác cũng trải qua điều này. Và cô bé thú nhận chính người chú của em đã lạm dụng em. Mình thật sự bị sốc. Đó cũng chính là người đã cưỡng hiếp mình. 

Tối hôm đó, mình không thể nào không nghĩ về câu nói "Bất cứ ai cứu một mạng sống cũng là cứu toàn bộ nhân loại". Đã đến lúc mình phải bước ra khỏi sự im lặng. Mình quyết định sẽ đi tố cáo hắn đến hắn không thể gây tổn thương cho ai nữa. 

Khi mình nói với em họ mình, cô bé đã nói riêng với mình, có một cô bé ít tuổi khác cũng bị lạm dụng giống như bọn mình. Ba cuộc đời trẻ tuổi sẽ bị ám ảnh mãi mãi. Mình biết con số có thể còn nhiều hơn thế nữa. Và sẽ còn nhiều hơn nữa nếu mình không làm gì.

Chính vì thế, mình đã đi đến quyết định cuối cùng. Mình sẽ tố cáo hắn. Mình không tố cáo để trả thù, mình chỉ muốn ngăn chặn sự bất công này, một lần nữa và mãi mãi. Cô G đã dạy bọn mình: "Tội ác tiếp diễn khi những người tốt chỉ đứng nhìn". Mình là một người tốt và mình từ chối làm người đứng nhìn, người ngoài cuộc. Mình sẽ giải quyết vấn đề tận gốc. Mình sẽ cứu sống một cuộc đời, và tiếp theo, mình sẽ cứu cả nhân loại. 

"Và cảm ơn các bạn, những độc giả - bây giờ, chúng tôi trao cây gậy chỉ huy cho các bạn" - cô giáo Erin Gruwel.


Website chính thức của bộ phim (http://www.freedomwritersfoundation.org) giới thiệu về dự án phương pháp giảng dạy của cô giáo Erin Gruwell cùng cuốn nhật ký Freedom writers.
Website www.youtube.com/beheard không chỉ giới thiệu những clip câu chuyện của những học sinh trong phim cũng như nghe cô giáo Erin thật tâm sự, mà còn là nơi để khán giả có thể chia sẻ câu chuyện của họ, bằng chữ viết hoặc bằng đoạn phim ngắn - bởi ai cũng có một câu chuyện muốn được lắng nghe, như những học sinh của lớp 203 năm nào...

 

14/8/18

Thầy giáo Peter Caryotakis đưa ra 2 đáp án cho các học sinh của mình “Vì có ngày thể nào các em cũng phải làm bài tập toán hộ con cháu các em” Đáp án này tuy có hơi hài hước nhưng xem ra cũng rất thực tế. Đồng thời ông cũng đưa ra một câu trả lời nghiêm túc hơn “Vì hiểu biết về toán học sẽ mở cho các em có vô số cơ hội trong tương lai”.
Giáo viên môn toán khắp nơi đều có những câu “bí kíp” của riêng mình để giải đáp cho câu hỏi bất tận về việc học môn toán. Nhưng tổng hợp lại, có 3 lý do chính đáng và vô cùng thuyết phục khiến người ta không thể bỏ qua môn học này:

1. Học toán để rèn luyện tư duy

Không ai có thể phủ nhận rằng: Thành công của một cá nhân tùy thuộc vào mức độ xử lý tình huống trong toàn bộ cuộc đời. Dù có ở làm công việc gì hay ở vị trí nào thì ta cũng sẽ cảm thấy thỏa mãn và phấn khích khi biết cách đối đầu với những thử thách ở trước mắt. Và khi trẻ không thể luyện tập trước việc xử lý tất cả các tình huống có thể xảy ra trong đời, có một môn học có thể giúp trẻ rèn luyện suy nghĩ logic: môn toán học. Làm toán có thể giúp trẻ luyện khả năng giải quyết vấn đề theo các bước, điều này hoàn toàn có thể được áp dụng vào các tình huống hang ngày: chỉ rõ vấn đề, đưa ra các hướng giải quyết, bắt tay vào giải quyết và đánh giá kết quả.
Có một câu hỏi: Tại sao mọi người lại cần tới phòng tập thể dục để tập? Chắc chắn không phải vì họ mong muốn giành được huy chương trong kỳ Olympics. Lý do chỉ đơn giản là mọi người đều muốn rèn luyện sự dẻo dai và sức khỏe, làm sao cho cuộc sống thật dễ chịu và thoải mái. Toán học có khác gì so với việc tập thể dục cho bộ não đâu! Có thể sẽ chẳng bao giờ bạn cần phải đụng tới phương trình bậc 2 trong cả cuộc đời, nhưng quá trình học sẽ giúp củng cố sức mạnh của não bạn. Bằng cách luyện tập việc giải quyết các bài toán, bạn đã tăng cường khả năng đưa ra các quyết định phức tạp cho mình.
Trong một bài thuyết trình có tựa đề “Dạy và học Đại số dựa trên thần kinh học/ Nghiên cứu khoa học về nhận thức”. Giáo sư toán học Ed Laughbaum đã trích dẫn của tiến sĩ Richard Restak, nhà thần kinh học: “…trí thông minh chẳng khác gì chất dẻo và hoàn toàn có thể “biến đổi” được. Toàn bộ kinh nghiệm của ta là kết quả của việc hình thành các liên kết thần kinh. Những trải nghiệm càng phong phú, đa dạng và thử thách thì các liên kết ngày càng tinh vi hơn.” Học những khái niệm trừu tượng như Đại số sẽ “ép” cho bộ não phải nghĩ theo các phương thức mới mẻ, việc này sẽ giúp tạo ra những liên hệ cần thiết để giải quyết được bất kỳ một vấn đề nào trong tương lai”.

2. Học toán để vận dụng trong thực tế

Đôi khi thiếu hiểu biết cơ bản về toán học sẽ khiến bạn rắc rối to. Thầy Caryotakis đã đưa ra một ví dụ thực tế như một lý do để học toán cơ bản “Nếu xe ô tô của các em có 2 lít xăng, và em còn phải đi 30 km nữa, liệu em có đi nổi không?” Đáp án sai cho câu hỏi này có thể khiến người trong cuộc phải cuốc bộ dài dài.
Sau đây là các tình huống khác mà tính toán sai có thể đẩy người ta vào tình huống dở khóc dở cười hay thậm chí đe dọa tính mạng:
Bạn chuẩn bị đi du lịch tới Canada, dự đoán nhiệt độ là 32 độ C. Bạn sẽ chuẩn bị giày ống hay dép quai?
Con bạn cần uống thuốc hạ sốt vào lúc 3h sáng. Hướng dẫn sử dụng ghi rõ: trẻ nặng 30 kg uống 2 thìa thuốc. Con bạn nặng 20 kg thì cần uống bao nhiêu?
Bạn cùng 8 người nữa đi ăn tối, mọi người chia nhau số tiền 177 đồng trên hóa đơn thanh toán. Cộng thêm cả tiền tip cho bồi bàn 20%, mỗi người sẽ phải đóng bao nhiêu?
Bạn muốn sơn 3 chiếc giường chiều dài 4m x 3m. Bạn phải dung bao nhiêu sơn?
Bạn muốn thế chấp tài sản cố định trong 30 năm lấy số tiền 200 000 đồng. Phương án nào tốt hơn: 5.6% lãi hàng năm, hay 5.3% lãi nửa năm một?
Bơ đậu phộng của bác Joe giá 3,5 đồng một kg. Trong khi ở chợ bán 23 xu một lạng. Mua ở đâu thì được giá hơn?
Chính khi lâm vào những tình huống trên thì người lớn chúng ta mới bắt đầu ước ao giá mình để tâm nhiều hơn vào những giờ học toán.

3. Học toán để có một tương lai tươi sáng

Trong quyển sách của mình Vì sao môn toán quan trọng, giáo sư Jo Boaler đã lý luận rằng tương lai của nền kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào việc trẻ em nhận được nền giáo dục toán học chất lượng. “Sinh viên không đạt kết quả cao và không chọn học toán ngoài các lớp cơ bản; tình huống này chính là nguy cơ nghiêm trọng đe dọa tới sự tiến bộ của ngành y tế, khoa học và kỹ thuật tương lai”.
Ví dụ như ở nước Mỹ, thế kỷ 20 đã ghi nhận nhiều thành công về kinh tế được thúc đẩy bởi nền khoa học kỹ thuật tiên tiến, từ mẫu xe hơi của Ford tới máy Macintosh của Apple. Thiết kế, tạo lập và đem bán những kỹ nghệ này đã đem đến mức sống tốt nhất thế giới cho người Mỹ. Vậy mà, số sinh viên Mỹ học chuyên ngành toán học đang giảm, trong khi con số này đang tăng ở các nước khác.
Để khám phá ra những lý do cho sự chênh lệch này, người viết đã chuyện trò cùng Babak Darafshi, một kỹ sư điện người sinh ra ở Iran nhưng lại có bằng cấp tại nước Mỹ. “Suốt cả quá trình tôi lớn lên, quan điểm của xã hội là sự trọng vọng dành cho các kĩ sư và bác sĩ.” Anh giải thích. “Quan điểm này tồn tại ở nhiều nước trừ nước Mỹ (những nước đang phát triển hoặc phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Hàn Quốc, Đài Loan). Toán và vật lý cũng như các môn khoa học là bắt buộc, là chính khóa đối với nền giáo dục, giáo trình môn toán của học sinh các nước này còn nặng hơn giáo trình dành cho sinh viên năm đầu ở nước Mỹ”. Những quốc gia này hiểu rằng một chương trình giáo dục khắt khe dành cho môn toán và khoa học là tối cần thiết để tạo ra vô số việc làm có thể thay đổi cả nền kinh tế, một khía cạnh mà nước Mỹ đang dần để tuột.
Trong bài phát biểu gần đây về nền kinh tế với nhiều vấn đề, tổng thống Obama đã nhấn mạnh rằng : “Một trong những thay đổi tôi muốn chứng kiến.. là một lần nữa thấy những người giỏi nhất và sáng giá nhất của chúng ta dồn hết tâm sức để kiến tạo kỹ sư, nhà khoa học…. Hãy dồn sức để xây đắp và tạo ra những thứ giúp đất nước tăng cường xuất khẩu.” Nếu muốn các sinh viên đáp ứng được những mục tiêu của Tổng thống, phụ huynh và các nhà giáo dục nhất thiết phải tìm ra những cách để khiến môn toán học hấp dẫn đối với trẻ. Chỉ như thế, những mầm non tương lai mới thấy được khích lệ để theo đuổi những sự nghiệp có khả năng vực dậy nền kinh tế và khoa học của đất nước.
Theo Funchild (trích từ bethongminh.vn)

22/6/18

Ngay lúc này đây, trong một phòng học ở đâu đó trên thế giới này, một cô học sinh đang than phiền với giáo viên toán của mình.
Người giáo viên này vừa yêu cầu cô dành một phần đáng kể cuối tuần tuyệt vời của cô để tính ba chục cái tích phân.
Có nhiều thứ khác mà cô muốn làm. Thật ra, cô muốn làm bất kì thứ nào khác. Cô biết rõ điều này, vì cô cũng đã dành các cuối tuần tuyệt vời trước đó để giải ba chục cái tích phân không khác là bao. Cô chẳng hiểu mục đích việc này và cô nói vậy với người giáo viên. Trong cuộc trò chuyện này, đến một lúc nào đó, cô sẽ hỏi câu mà mọi giáo viên đều sợ:
"Khi nào thì em mới dùng tới mấy thứ này?"
Giờ thì, người giáo viên có lẽ sẽ nói đại khái là:
"Tôi biết mấy cái này có vẻ nhàm chán với em, nhưng hãy nhớ rằng, em vẫn chưa biết mình sẽ chọn ngành nào, em có thể không thấy sự liên quan bây giờ, nhưng biết đâu được em sẽ vào ngành nào đó cần thiết phải tính được tích phân nhanh và chính xác bằng tay thì sao?"

Câu trả lời này hiếm khi thỏa mãn các học sinh. Bởi lẽ nó là một lời nói dối. Và cả người giáo viên lẫn cô học sinh đều biết rằng nó là một lời nói dối. Lượng người cần đến kiến thức về cách tính tích phân của (1-3x)dx hay công thức của cos(3a) hay phép chia đa thức chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Lời nói dối này cũng không đủ để thỏa mãn các giáo viên. Tôi biết chứ, từ kinh nghiệm nhiều năm dạy toán và yêu cầu hàng ngàn sinh viên giải hằng hà sa số các tích phân.
May mắn thay, có một câu trả lời tốt hơn. Đại để là thế này:
"Toán học không phải chỉ là một chuỗi các phép tính lặp đi lặp lại cho tới khi em cạn kiệt kiên nhẫn hay sức lực - tuy là em có thể cảm thấy nó là vậy từ các lớp dạy toán học trong nhà trường. Những tích phân đó trong toán học cũng giống như các bài cử tạ hay xà đơn trong bóng đá. Nếu em muốn chơi đá bóng - ý tôi là, thật sự chơi, ở cấp độ chuyên nghiệp ấy - em cần thực hiện nhiều bài luyện tập buồn tẻ, lặp đi lặp lại, có vẻ vô nghĩa như vậy. Các cầu thủ chuyên nghiệp có bao giờ dùng các động tác đó không? Hẳn là em chưa bao giờ thấy cầu thủ nào chạy ra sân để vác một cái tạ hay đưa bóng qua mấy cái nón giao thông đâu nhỉ. Nhưng chắc rằng em đã thấy các cầu thủ sử dụng sức mạnh, tốc độ, phán đoán và sự dẻo dai có được từ các buổi luyện tập tuần này qua tháng khác đó. Việc luyện tập trở thành một phần của chơi đá bóng.
"Nếu em muốn chơi đá bóng để kiếm sống, hay gia nhập đội tuyển quốc gia, em sẽ phải dành nhiều tuần nhàm chán trên sân tập. Không còn cách nào khác cả. Nhưng tin mừng là thế này. Nếu những bài tập đó quá sức của em, em vẫn có thể chơi cho vui, với bạn bè mình. Em có thể tận hưởng niềm vui rê bóng qua hậu vệ đội đối thủ và sút vào từ những khoảng cách tương tự như cầu thủ chuyên nghiệp. Em sẽ hạnh phúc hơn khi chỉ ngồi nhà xem các trận cầu chuyên nghiệp trên TV.
"Toán học cũng như vậy. Em có thể không nhắm tới một chuyên ngành thiên về toán học. Bình thường thôi - nhiều người cũng vậy mà. Nhưng em vẫn có thể làm toán. Em có lẽ đã và đang làm toán, ngay cả khi em không cho là vậy. Toán học đan xen vào cách chúng ta suy luận. Toán giúp ta giỏi hơn. Hiểu được toán là như thể em được đeo một bộ kính X-ray nhìn thấu mọi cấu trúc ẩn sâu dưới bề mặt hỗn mang của thế giới. Toán là môn khoa học để không bị sai về điều gì, các kĩ thuật và thói quen trui rèn qua hàng thế kỉ cố gắng và tranh luận. Với toán học làm công cụ, em sẽ có góc nhìn sâu hơn, chặt chẽ hơn và ý nghĩa hơn về thế giới. Mọi thứ em cần là một huấn luyện viên, để dạy em luật và các chiến thuật cơ bản. Đó là tôi, tôi sẽ cho em những điều đó."

(Ellenberg, Jordan. "When Am I Going to Use This?"
How Not To Be Wrong: The Power Of Mathematical Thinking) - Nguồn Toán mô hình Hà Nội

18/6/17

Việc đọc sách có thể làm thay đổi não người
Sau khi các sinh viên đại học đọc sách văn học, ở vỏ não thái dương của họ nảy sinh hiện tượng gia tăng số lượng kết nối liên nơron thần kinh. Theo tác giả Julia Ryan viết trên tạp chí Mỹ The Atlantic, các nhà khoa học từ lâu đã được chứng minh rằng, việc đọc sách kích thích rất nhiều vùng khác nhau ở não. Ví dụ, trong một nghiên cứu tiến hành năm 2006, những người tham gia thí nghiệm đã phải đọc hai từ “linh hồn” và “cà phê”, và sau đó ở họ đã được kích hoạt mạnh mẽ hơn những khu vực của não chịu trách nhiệm về khứu giác. Trong lúc các tác giả của những công trình nghiên cứu trước đây đã chỉ tập trung chú ý vào việc nghiên cứu hoạt động của não tại thời điểm đọc sách, một công trình nghiên cứu mới lại hướng tới mục tiêu chứng minh rằng, hiệu quả của việc đọc sách không giới hạn ở những ấn tượng bề nổi mà thực sự còn có thể vĩnh viễn thay đổi bộ não con người.
Các nhà khoa học tại trường đại học Emory đang tiến hành một nghiên cứu nhằm mục đích minh định cơ chế thay đổi cấu trúc và hoạt động của não trong quá trình đọc tiểu thuyết. Trong thời hạn 19 ngày, các nhà khoa học đã tiến hành ghi chép lại hình ảnh cộng hưởng từ chức năng não của 21 sinh viên đang theo học tại trường đại học Emory. Trong năm ngày đầu tiên, các nhà khoa học đã tiến hành các nghiên cứu sơ bộ các đặc điểm hoạt động và cơ cấu bộ não của sinh viên. Trong chín ngày tiếp theo, những sinh viên tham gia thí nghiệm tối về phải đọc tới 30 trang tiểu thuyết Pompeii của nhà văn Anh Robert Harris rồi sau đó phải trả lời các câu hỏi của bài kiểm tra để xác nhận rằng họ đã đọc đủ các số trang đã định. Sáng hôm sau, họ phải trải qua các kiểm tra trên máy quét chụp cắt lớp. Sau khi đọc xong toàn bộ cuốn tiểu thuyết trên, những người tham gia thí nghiệm lại tiếp tục được kiểm tra bằng máy quét chụp cắt lớp thêm năm ngày nữa.
Những nghiên cứu trước đây về mối quan hệ của việc đọc sách và cấu trúc bộ não được tiến hành để tìm hiểu các tính năng trong hoạt động của bộ não tại thời điểm diễn ra quá trình đọc sách: những người tham gia thí nghiệm được mời đọc những truyện ngắn không dài lắm và trong quá trình đó, các nhà khoa học theo dõi hoạt động của não ở bằng cách sử dụng máy quét chụp cắt lớp. Còn nghiên cứu mới đang được tiến hành lại đặt ra mục tiêu để nghiên cứu khả năng việc đọc sách tác động lâu dài trên não như thế nào.

Kết quả chụp cắt lớp cho thấy, sau khi đọc những đoạn văn bản đã định, trong thùy thái dương trái, chịu trách nhiệm về nhận thức luận, xuất hiện sự gia tăng kết nối giữa các nơron thần kinh. Việc tăng số lượng các kết nối giữa các nơron thần kinh trong các phần khác của não có thể chỉ ra rằng, các độc giả đang trải qua cái gọi là kinh nghiệm “ký hiệu hóa thể chất”, khi trong quá trình suy tính hành động này hay hành động khác. mô thức các mối quan hệ liên nơron thần kinh bắt đầu lặp lại cấu hình của nó tại thời điểm hoàn tất hành động này. Ví dụ, những ý nghĩ về việc bơi lội có thể dẫn đến hình thành các kết nối liên nơron giống như chính quá trình diễn ra sự bơi lội đó...

Giáo sư Gregory Berns, tác giả chính của công trình nghiên cứu mới nhận định: “Những thay đổi nơron thần kinh, mà chúng tôi đã tìm thấy, tương đồng với những cảm giác thể chất và vận động, chứng minh rằng, việc đọc một cuốn tiểu thuyết có thể đưa ta nhập vào trong cơ thể của nhân vật chính. Chúng ta đã từng biết rằng, những cuốn sách hay có thể làm cho chúng ta cảm thấy như mình đang ở trong da của người khác theo đúng nghĩa đen của từ này. Và bây giờ, chúng ta còn nhìn thấy rõ rằng, những thay đổi ấy còn diễn ra cả ở cấp độ sinh học...”.
Những thay đổi đó còn được duy trì trong suốt năm ngày tiếp theo sau khi người tham gia thí nghiệm đã hoàn tất việc đọc cuốn tiểu thuyết. Và điều này chứng minh rằng, việc đọc sách hoàn toàn có khả năng tác động lâu dài đến não người. Các nhà nghiên cứu viết rằng, trong khi họ chưa rõ là hiệu ứng trên có thể duy trì ảnh hưởng được trong bao lâu, nhưng kết quả của thí nghiệm mà họ đã tiến hành cho thấy rõ ràng rằng, việc đọc sách có thể tác động lâu dài tới bộ não của người bằng cách kích thích các khu vực chịu trách nhiệm về nhận thức, cũng như về hiệu ứng của cái gọi là “ký hiệu hóa thể chất”.
Càng đọc, não càng khỏe
Theo tác giả Clay Dillow trong bài viết công bố trên tạp chí Mỹ Popular Science, việc đọc sách còn có thể làm cho chúng ta trở nên thông minh hơn. Thêm vào đó, việc đọc sách hơn bất cứ một hoạt động nào khác, còn cho phép chúng ta rèn luyện những khả năng nhận thức của bộ não. Tất nhiên, điều khẳng định này từ các nhà khoa học không có khả năng gây bất ngờ đặc biệt. Thực ra từ xưa chúng ta đã hiểu ra rằng, việc đọc sách hữu lợi đối với bộ não của người. Thế nhưng, kết luận mà nhà nghiên cứu của trường đại học Mỹ Stanford đã công bố không phải là quá đơn giản theo kiểu lời khẳng định “dạy theo sách thì tốt”. Nhà nghiên cứu này đã yêu cầu một nhóm tiến sĩ về văn học đọc cuốn tiểu thuyết của Jane Austin khi họ vào bên trong buồng đặt máy đo hình ảnh cộng hưởng từ (MRI). Kết quả là, người ta đã phát hiện ra rằng, việc đọc sách văn học theo kiểu phân tích và việc đọc sách văn học chỉ đơn thuần để giải trí tạo ra những tải trọng khác nhau cho bộ não và mỗi một loại hình tải trọng này đều có hữu ích ở một mức độ nào đấy đối với não người.
Công trình nghiên cứu trên đã được tiến hành dưới sự giám sát của các chuyên gia thuộc trường đại học Stanford chuyên về lĩnh vực nghiên cứu các hoạt động nhận thức và thần kinh của não bộ. Tuy nhiên, ý tưởng về một nghiên cứu như thế lại thuộc về chuyên gia văn học tiếng người Anh Natalie Phillips, người rất cố gắng để tìm ra những ý nghĩa thực sự của việc nghiên cứu văn học. Câu hỏi đặt ra là: ngoài việc tiếp nhận những kiến thức cùng những khía cạnh văn hóa, sự kiện lịch sử và thông tin nhân đạo liên quan trực tiếp với tác phẩm cụ thể, liệu trong việc đọc sách có ẩn chứa một lợi ích hữu hình nào đó có thể định lượng được đối với con người hay không?
Hóa ra là, quá trình này có thể được ghi nhận lại thành hình - ít nhất là trong quá trình đọc sách đã diễn ra vòng tuần hoàn máu não. Các thí nghiệm được tổ chức theo cách để những người trong buồng MRI đã có thể đọc một chương trong cuốn tiểu thuyết Mansfield Park của Jane Austen mà văn bản được chiếu trên một màn hình ở bên trong buồng. Những người đọc được yêu cầu làm việc này theo hai cách: thứ nhất, là để đọc chơi, giải trí; và thứ hai, đọc theo kiểu phân tích như chuẩn bị cho kỳ kiểm tra về chương sách đó...
Máy MRI cho phép các nhà khoa học quan sát quá trình lưu thông máu trong não của các độc giả tham gia thí nghiệm. Và những gì mà các nhà khoa học phát hiện được khiến họ cảm thấy đặc biệt thú vị: khi chúng ta đọc sách, máu đi vào những vùng não nằm ngoài các khu vực chịu trách nhiệm cho các chức năng điều khiển. Máu đi vào các phần liên quan đến mức độ tập trung của tư duy. Không có gì đáng ngạc nhiên trong chuyện này - để đọc sách thì cần phải biết tập trung tư duy. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, để đọc sách một cách phân tích, chi tiết, thì còn cần phải thực hiện thêm một số chức năng nhận thức phức tạp hơn mà bình thường vốn không cần tới. Theo các nhà khoa học, khi đọc bằng cả hai phương pháp trên luôn cần tới chức năng nhận thức vốn tương đồng không chỉ với khái niệm “làm” hay “chơi”...
Hơn nữa, công trình nghiên cứu trên còn cho thấy, chỉ cần ta chuyển từ việc đọc “cho vui” sang đọc để “phân tích” là ngay lập tức diễn ra sự thay đổi đột ngột hình thức hoạt động của não và tính chất lưu thông máu trong bộ não. Có lẽ là trên cơ sở các kết quả nghiên cứu đó sẽ tìm ra được kết luận về các cơ chế ảnh hưởng của việc đọc sách tới não người và việc kích hoạt các chức năng của nó như khả năng tập trung và nhận thức...
Hoàng Phong - CAND

29/1/17

Hình hài của mẹ cha cho
Trí khôn đời dạy, đói no tự mình
Sang hèn trong kiếp nhân sinh
Buồn vui sướng khổ, thường tình thế thôi
Không hơn hãy cố bằng người
Cho thiên hạ khỏi ai cười ai khinh

Có trí thì ham học
Bất trí thì ham chơi
Trí khôn tạo nên người
Đức nhân tìm ra bạn
Thành đạt nhờ trí sáng
Rạng danh nhờ đức dày
Làm nên nhờ có thầy
Đủ đầy nhờ có bạn
Gái ngoan nhờ đức hạnh
Trai mạnh nhờ lực cường
Tươi đẹp lắm người thương
Lực cường nhiều kẻ trọng
Dễ thích nghi thì sống
Biết năng động thì bền
Đủ tài trí làm nên
Đủ sức bền thì thắng

Biết mình khi hoạn nạn
Hiểu bạn lúc gian nguy
Nghèo hèn bởi tự ti
Ngu si vì tự phụ
Tài đức cao hơn phú
Hạnh phúc đủ hơn giàu
Sống trung tín bền lâu
Tình nghĩa sâu hạnh phúc
Đủ tài thì đỡ cực
Đủ sức lực đỡ nghèo
Dốt nát hay làm theo
Hiểu biết nhiều tự lập
Hỏng việc vì hấp tấp
Va vấp bởi vội vàng

Cảnh giác với lời khen
Bình tâm nghe lời trách
Quá nghiêm thì ít bạn
Dễ dãi bạn khinh nhờn
Không hứa hão là khôn
Không tin xằng ít vạ
Làm ơn đừng mong trả
Được ơn nhớ đừng quên
Nhu nhược bị ép chèn
Quá cương thì bị gãy
Cái quý thì khó thấy
Dễ lấy thường của tồi
Của rẻ là của ôi
Dùng người tội sinh vạ
Đẹp lòng hơn tốt mã
Nền nã hơn kiêu kì
Thận trọng từng bước đi
Xét suy khi hành động
Hiểu biết nhiều dễ sống
Luôn chủ động dễ thành
Thận trọng trước lợi danh
Giữ mình đừng buông thả
Tránh xa phường trí trá
Tai vạ bởi nể nang

Tài giỏi chớ khoe khoang
Giàu sang đừng kênh kiệu
Học bao nhiêu vẫn thiếu
Hiểu bao nhiêu chẳng thừa
Nhân đức chớ bán mua
Được thua không nản trí
Đủ đức tài bớt lụy
Đủ dũng khí chẳng hàng

Có vợ đảm thì sang
Có bạn vàng thì quý
Đói nghèo vì bệnh sĩ
Quẫn trí dễ làm liều
Tỉnh táo với tình yêu
Biết điều khi xử thế
Lo việc nhà chớ kể
Ân nghĩa chớ đếm đong
Giữ trọn chữ hiếu trung
Với tổ tiên gia tộc
Cây tốt tươi nhờ gốc
Người phúc lộc nhờ nguồn
Sống bất nghĩa tai ương
Sống bất lương tù ngục
Phải cầu xin là nhục
Phải khuất phục là hèn
Hay đố kị nhỏ nhen
Thích ép chèn độc ác

Lắm gian truân càng sáng
Nhiều hoạn nạn càng tinh
Với mình phải nghiêm minh
Với chúng sinh nhân ái
Đang thắng phòng khi bại
Gặt hái phòng mất mùa
Thói quen thường khó chừa
Say sưa thường khó tỉnh

Sống ỷ lại ăn sẵn
Dễ bạc phân bán mình
Sống dựa dẫm ngu đần
Sống bất cần phá sản
Hay đua đòi hoạn nạn
Quá nể bạn tai ương
Gia đình trọng yêu thương
Sống nhịn nhường hỉ hả
Thiếu tình thương man trá
Gắn vàng đá cũng tan
Biết dạy dỗ con ngoan
Chịu bảo ban con giỏi
Tinh khôn nhờ học hỏi
Cứng cỏi nhờ luyện rèn
Sống vì nhau sẽ bền
Sống vì tiền đổ vỡ
Rèn con từ mới nở
Khuyên vợ lúc mới về

Muốn hiểu cần lắng nghe
Thích khoe thì trí cạn
Kẻ tồi chơi xấu bạn
Khốn nạn quên mẹ cha
Tốt đẹp hãy bày ra
Xấu xa nên đậy lại
Có ích thì tồn tại
Có hại thì diệt vong
Nhiều tham vọng long đong
Lắm ước mong lận đận
Hay vội vàng hối hận
Quá cẩn thận lỗi thời

Hiểu được người là sáng
Hiểu được bạn là khôn
Khiêm tốn là tự tôn
Kiêu căng là tự sát
Hứa trước thì khó đạt
Hèn nhát thì khó thành
Thù hận bởi lợi danh
Tranh giành vì chức vị
Giàu sang hay đố kị
Tài trí sinh ghét ghen
Tham giàu thì cuồng điên
Tham quyền thì độc ác
Vì tiền thì dễ bạc
Vì tình nghĩa bền lâu
Người hiểu nói trọn câu
Kẻ dốt tâu phách lối
Có quyền thì hám lợi
Có tội thường xum xoe
Khờ dại hay bị lừa
Nói bừa hay vạ miệng
Đa ngôn thì tai tiếng
Ngậm miệng dễ được tin
Hám lợi hay cầu xin
Tham quan thường bất chính
Hám quyền hay xu nịnh
Thật thà hay oan trái
Thẳng thắn hay bị hại
Thông thái hay bị ngờ

Chiều con quá con hư
Tiền của dư con hỏng
Giàu mạnh thường thao túng
Nghèo vụng dễ theo đuôi
Người tài giỏi khó chơi
Kẻ chây lười khó bảo
Thành tâm thì đắc đạo
Mạnh bạo việc dễ thành
Quân tử thì trọng danh
Tiểu nhân thì trọng lợi
Bất tài hay đòi hỏi
Lọc lõi khó khiêm nhường
Tình nghĩa thường khó quên
Nợ nhân duyên khó trả
Khó thuần phục kẻ sĩ
Khó phòng bị tướng tài
Biết chấp nhận thảnh thơi
Hay hận đời đau khổ

Của quý thì khó giữ
Con cầu tự khó nuôi
Nhà dư của hiếm hoi
Nhà lắm người bạc cạn
Khó gần người quá sạch
Vắng khách tại quá nghèo
Dễ nổi danh kỵ hiền
Dễ kiếm tiền khó giữ
Kiếp người là duyên nợ
Lành vỡ lẽ thường tình
Sướng khổ tự lòng mình
Bại thành từ lực trí
Thời gian đừng uổng phí
Biết suy nghĩ sâu xa
Vững vàng khi thành bại
Cần học và hành mãi
Sẽ gặt hái thành công./.

21/12/16

Our brain can potentially memorize 2.5 petabytes of information, which is roughly the equivalent of 3 million hours of YouTube videos. In order to use some of that staggering capacity a little more effectively when you study, here are some tips that are based on widely accepted research by neuroscientists and learning experts.


18/8/16

Trong xã hội, cũng có những nghề, chỉ ngay sau khi chia tay, người ta đã không còn muốn nghĩ về nó nữa, nhưng nghề giáo thì không như thế. Tôi được biết trong lĩnh vực đặc biệt này, có những người thầy, dù đã chính thức nghỉ hưu hàng chục năm nay, vậy mà thiên chức nhà giáo trong họ dường như vẫn vẹn nguyên. Họ là những bông hoa đẹp rất đáng được trân trọng trong xã hội.

Nghề giáo có “nhàn nhã”, “ăn trắng, mặc trơn”? 
Không phải ngẫu nhiên, trong xã hội, chỉ có hai loại nghề được người ta gọi là thầy: thầy giáo và thầy thuốc. Vinh quang là thế, nhưng từng có thời gian dài, nghề làm thầy vẫn bị xã hội “quay lưng”: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Rồi lại có thời kì, học sinh đổ xô vào trường Sư phạm, không hẳn vì say mê, tâm huyết với nghề, mà vì vào đó sẽ không phải đóng học phí, mà ra trường cũng dễ kiếm việc làm. Nói chung đây là một cái nghề thiếu ổn định. Hoặc cũng có thể là khó, không phải ai cũng có thể làm được.
Vậy làm nghề thầy giáo có khó thật không? Bản thân tôi, phải đến tận khi chính thức hoàn tất gần 40 năm sự nghiệp của mình, mới tìm được câu trả lời tạm coi là có thể chấp nhận được: làm nghề thầy giáo với người này có thể là dễ, nhưng với một số người khác thì đúng là khó. Nói dễ bởi nhìn bề ngoài, so với nhiều nghề nghiệp khác, nghề nhà giáo không cần đến "cơ bắp”, công việc có vẻ “nhàn nhã”, “ăn trắng, mặc trơn”: không phải lao động chân tay, không phải đến công sở hàng ngày, được nhiều người trong xã hội trọng vọng” (không “trọng vọng” sao được gọi là thầy giáo?
Nhưng làm nghề giáo cũng thật khó. Bởi lẽ, một khi đã chấp nhận công việc này, cũng có nghĩa phải chấp nhận sự hi sinh: người ta không thể giàu có khi làm nghề thầy giáo (trừ một số người giỏi giang, xuất chúng). Trong dân gian từ lâu đã tồn tại câu cửa miệng “phi thương bất phú”.
Từng gắn bó với nghề giáo gần như cả đời, tôi dám khẳng định, trong xã hội ta, ít có ai làm nghề này mà lại giàu có bao giờ (hoặc những người thầy giáo mà giàu có hẳn họ phải làm thêm, hoặc làm một việc “mờ ám” gì đó).
Gần đây, trên báo mạng tôi có đọc được thông tin, một nghiên cứu ở Đại học Mĩ cho rằng thầy giáo đại học Việt Nam có thể kiểm hàng tỉ mỗi năm. Bản thân tôi cũng biết, có vài ba ông thầy (nhờ đi dạy thêm, hoặc có “mánh mung” gì đó), mà hàng năm kiếm được tiền tỉ, có ô tô, nhà lầu. Nhưng đó chỉ là những trường hợp cá biệt. Còn nói chung đa số các thầy cô giáo trong xã hội ta còn rất nghèo, trong khi áp lực xã hội mà họ phải chịu đựng là vô cùng lớn. Điều này có lí do của nó, nghề thầy giáo (và cả thầy thuốc nữa), luôn chịu sự phê phán, “săm soi” của hàng triệu con người, của xã hội. Đơn giản thôi vì trong cuộc sống thường nhật gia đình nào mà chả có người đi học (và chữa bệnh).
Đôi khi phải biết tỏ ra “đạo đức giả”
Quả nhiên làm nghề thầy giáo thật là khó, vậy nên bất kì ai, khi đã dấn thân vào lĩnh vực, cũng có nghĩa là phải biết chấp nhận hi sinh, phải biết làm gương cho học trò, phải có lòng thương yêu, và đôi khi cũng phải biết tỏ ra “đạo đức giả” nữa, tức là phải “tự dối lòng” mình trước một điều gì ham muốn ghê gớm lắm, mà vẫn cứ buộc phải “dằn lòng mình” xuống.
Đứng trước những ham muốn vật chất, những dục vọng tầm thường, nghề thầy giáo chính là “vật cản” để người thầy giáo không bị cuốn theo. Người thầy giáo, cũng giống như thầy thuốc, khi đã bước chân vào nghề, là đã mang mang theo trong suốt cuộc đời mình “lời thề Hypocrat”: không chỉ là tấm gương về đạo đức, họ còn phải là một tấm gương về chuyên môn.
Tôi không quan niệm chuyên môn ở đây có nghĩa là phải trang bị cho mình thật nhiều bằng cấp (mặc dù đây cũng là một phần trách nhiệm của họ), mà là phải thực sự đào sâu vào lĩnh vực chuyên sâu của mình, phải say mê và tâm huyết, phải có đủ lòng nhiệt tình để khơi gợi niềm đam mê ở học trò, phải sáng tạo - “sáng tạo”, nói như Giáo sư Đỗ Đức Hiểu, người thầy vô cùng kính trọng của tôi và nhiều thế hệ sinh viên khoa Ngữ Văn, để không “biến học sinh thành bản sao của mình”. Một thế giới hội nhập không cần đến những “bản sao” như thế.
Quả thật, có một thời gian dài, Giáo sư Đỗ Đức Hiểu sống ngay giữa trung tâm Hà Nội (26 phố Hàng Bài), mà hệt như một người lạc đến từ một hành tinh khác. Thầy từ bỏ mọi ham muốn (vật chất) của mình để đam mê hết lòng với những trang sách, với việc đào tạo sinh viên, “ngô nghê” trước thế giới kim tiền, thậm chí có lúc trong túi riêng không có nổi 50 ngàn đồng cho một bữa ăn hàng ngày vốn đã rất đạm bạc.
Trong cuộc đời làm thầy (và cả làm trò) của mình, tôi từng được chứng kiến nhiều tấm gương thầy cô giáo ngay gần bên tôi tại khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp trước đây: Giáo sư Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Lê Hồng Sâm, Đặng Thị Hạnh, Nguyễn Văn Khỏa…, với những việc làm dù rất bình thường và dung dị của họ, mà cứ khiến tôi phải suy nghĩ mãi. Chính những việc làm và suy nghĩ dung đị đó, có những điều tôi bắt chước được, và có những điều không, nhưng tất cả đều đọng lại trong tôi lòng biết ơn sâu sắc, vì nhờ đó mà nhân cách nghề nghiệp của của tôi được hoàn thiện dần.
Những bông hoa tươi thắm kính tặng thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Những bông hoa tươi thắm kính tặng thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Trước sinh viên, mỗi người thầy đã được coi như một “vị thánh sống”
Làm nghề thầy giáo thật không dễ, dù ngay cả khi mình đã được trang bị đầy đủ kiến thức để truyền thụ cho học trò. Từng có một thâm niên bề dày giảng dạy nhiều năm “biết mười dạy một”, nhưng trước mỗi giờ lên lớp, người thầy giáo vẫn không được phép chủ quan, vẫn phải chủ động, nắm chắc từng chi tiết kiến thức trước khi lên lớp.
Tôi nhớ cách đây rất lâu, cỡ những năm 77, 78, tình cờ một lần tôi được phân công đi dạy cho một lớp tại chức ở Hải Dương cùng Giáo sư Đỗ Đức Hiểu. Lúc đó, thầy Hiểu là phó chủ nhiệm khoa Ngữ Văn, phụ trách chuyên môn, lại cùng tổ chuyên môn Văn học phương Tây với tôi.
Vào cái đêm hôm trước ngày có giờ dạy trên lớp, vì lo cho sức khỏe tốt nhất sáng hôm sau, tôi đã đi ngủ sớm. Nhưng tôi rất ngạc nhiên, khi đã chợp mắt được một giấc, bất chợt tỉnh dậy, tôi vẫn thấy phía giường người thầy của tôi, có vẻ như vẫn còn le lói ánh đèn: thầy chưa đi ngủ, thầy đang lật giở một cuốn sách, có vẻ như nhẹ nhàng để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bên cạnh. Khi tôi cất lời hỏi: thầy ơi, sao giờ này thầy vẫn còn chưa đi nghỉ, ngày mai mình có giờ giảng sớm cơ mà? Ông thầy đã từng có ba mươi năm giảng dạy, buổi tối hôm đó khẽ khàng trả lời, khiến tôi về sau này cứ “ngượng” mãi: anh Hinh ơi, anh cứ ngủ đi, tôi thức thêm một chút ngó lại bài giảng ngày mai cho lớp.
Một người thầy đã từng có gần ba mươi năm đứng lớp (ở thời điểm đó), đã làu làu bài giảng của mình, vậy mà vào trước hôm lên lớp vẫn cẩn thận xem lại từng trang giáo án đã cho tôi một “bài học” thấm thía trong nghề dạy học: người thầy không bao giờ được cho phép mình có quyền ”sơ suất’ trước sinh viên, bởi trước sinh viên, mỗi người thầy đã được coi như một “vị thánh sống”, luôn luôn nói những điều đúng đắn và chính xác.
Những sai sót không đáng có của người thầy trong giảng dạy đôi khi sẽ để lại những “ám ảnh” rất lâu trước học trò. Sự tắc trách của người thầy giáo có thể không gây nguy hiểm “chết người” như thầy thuốc, nhưng nó cũng để lại những di hại không kém: vì những kiến thức được truyền thụ sai mà người học trò có thể sẽ mất đi niềm tin, hoặc có thể sẽ dẫn đến những “lầm lạc” trong công việc sau này, ảnh hưởng lớn đến xã hội. Quả là làm nghề thầy giáo không hề dễ.
Tôi nghĩ, ở khoa Văn và ở Trường ĐH Tổng hợp trước đây cũng như Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn hiện nay có nhiều tấm gương thầy cô giáo (mà tôi không thể kể hết tên ở đây), họ đã cống hiến suốt cả một đời, những năm về già cũng có người “khá giả” có người tạm coi là “tiềm tiệm”, ít ai giàu có, vậy nên chấp nhận làm nghề thầy giáo thật không dễ dàng gì. Nhưng nếu bảo rằng, giờ đây, nếu như có một phép thần kì diệu, cho phép được lựa chọn lại, tôi cũng sẽ chọn nghề thầy giáo.
Vinh danh chữ “Thầy”
Suy cho cùng, làm nghề thầy giáo, cũng là một hạnh phúc, hay nói cách khác, là một “tỉ phú”, tỉ phú về tinh thần. Tôi xin lấy thâm niên gần 40 năm dạy học của mình khẳng định như vậy. Các bạn hãy kiên nhẫn nghe tôi giải thích…
Thứ nhất, ở trên tôi có nói, trong xã hội có rất nhiều nghề, nhưng chỉ có hai nghề được gọi là thầy: thầy giáo và thầy thuốc, đó là một hạnh phúc; thứ hai, làm nghề thầy giáo, chí ít mình cũng có được niềm vui dạy học hàng ngày, được mang những kiến thức ít ỏi của mình “trao” cho nhiều thế hệ học sinh, được nhìn thấy họ trưởng thành và đóng góp cho gia đình và xã hội. Tôi xin kể lại một vài chuyện nho nhỏ vui vui. Cách đây đã lâu, có một lần tôi đưa anh bạn Nguyễn Huy Hoàng (hiện đang ở Nga) vào cấp cứu tại một bệnh viện. Anh bị đau ruột thừa.
Trong lúc rất vội vã đẩy anh đang nằm trên cáng cấp cứu vào phòng mổ, bất ngờ cả tôi và Nguyễn Huy Hoàng giật mình: “Em chào thầy ạ!”. Chúng tôi nhìn lên, một người phụ nữ đã trung tuổi, người vừa chào, tự giới thiệu chị là học trò của các thầy. Hôm ấy chị có việc vào viên thăm người thân. Nhìn thấy thầy giáo đang nằm trên cáng cấp cứu tự nhiên bật ra tiếng chào kính trọng (một niềm vui nho nhỏ).
Lại một lần khác, đang trên đường đến lớp, khi đi ngang qua một ngã tư, vì buổi học đã sát đến giờ, tôi tranh thủ “vượt” nhanh khi đã có tín hiệu đèn đỏ. Một anh cảnh sát dừng xe tôi lại với vẻ mặt rất nghiêm trọng, việc đầu tiên là hỏi giấy tờ. Hôm ấy tôi không mang giấy tờ tùy thân theo, nên đã nhanh nhảu nói với anh: “Tôi xin lỗi, anh cứ ghi phạt tôi đi, bao nhiêu cũng được nhưng nhanh lên một chút, tôi sắp đến giờ vào lớp”. Anh cảnh sát khi nghe tôi nói “sắp đến giờ vào lớp”, biết tôi là thầy giáo, đã ngay lập tức đổi thái độ, nói với tôi: “Vậy thì thầy đi nhanh lên, lần sau thầy chú ý cho một chút”. Không có tờ biên phạt nào cả.
Một lần khác nữa cách đây 20 năm, có lần tôi vào thỉnh giảng ở khoa Ngữ Văn, Đại học Khoa học Huế. Ngay buổi học đầu tiên, tôi chứng kiến một cảnh tượng bất ngờ: cả một “rừng” học trò gái phía dưới nhất loạt mặc áo dài trắng, tôi hỏi “sao thế các em?”, cả rừng hoa màu trắng ấy nhất loạt trả lời: “Vì thầy đó thầy ạ”. Tôi xúc động lắm. Về sau hỏi ra mới được biết, vì tôi là thầy giáo ngoài Bắc vô thỉnh giảng, lâu rồi mới có một thầy phía ngoài vào đây, học trò đã tự động bảo nhau mặc áo dài trắng lên lớp cho thầy bất ngờ…
Quả là, làm nghề thầy giáo thật hạnh phúc, vì trong đời mình được gặp vô khối những “niềm vui nho nhỏ như vậy”. Không phải ngẫu nhiên dân gian nhiều đời nay đã từng tồn tại những câu vinh danh người thầy: “Không thầy đố mày làm nên”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (“Một chữ cũng nhờ thầy, nửa chữ cũng nhờ thầy”), “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”…
Thế đấy, đó là tất cả những gì tôi tích lũy được từ nghề làm thầy trong suốt gần 40 năm qua. Thế hệ chúng tôi thời ấy việc chọn nghề thực ra không mấy quan trọng. Nhưng ngày nay thì khác. Tôi biết, các bạn trẻ bây giờ, không phải ở chỗ nào cũng ưu tiên lựa chọn nghề thầy giáo. Bây giờ xã hội “thực dụng” hơn, việc lựa chọn nghề cũng nghiêng hơn về phía “vật chất”, giá trị tinh thần trở nên mong manh. Thêm nữa, vì cuộc cạnh tranh khốc liệt của đồng tiền, trong môi trường giáo dục dù vẫn tồn tại nhiều tấm gương sáng, vẫn còn không ít “tấm gương tối”.
Thế nhưng dù sự thế có xoay vần thế nào, tôi nghĩ nghề thầy giáo vẫn luôn cần thiết, quan trọng và thiêng liêng với nhiều người. Sẽ không có một xã hội tốt, nếu như không có những người thầy tốt.
 
Trần Hinh - Dantri
Chủ nhiệm Bộ môn Nghệ thuật học (Khoa Văn học)
Trường ĐH Khoa học, Xã hội & Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội