27/7/14

Cao Xuân Hùng, Cựu sinh viên khoa Toán, Khóa 6
Thạc sĩ, NGƯT, Phó GĐ Sở GD-ĐT Nam Định

Một chiều thu năm 1980, tôi cùng mấy tân sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 xuống ga Phúc Yên, khiêng vác tư trang cùng nhau “cuốc bộ” vào trường. Thị trấn Xuân Hòa dần hiện ra dưới ánh nắng chiều thu vàng nhạt, tâm trạng tôi dâng lên cảm xúc bồi hồi, rạo rực. Tình yêu mảnh đất Xuân Hòa được hình thành trong tôi ngay từ phút đầu tiên đó. Chúng tôi đến trường, làm thủ tục, nhận phòng ở chỉ trong 30 phút – Cuộc sống sinh viên bắt đầu.


Ngày đó, đất nước mới thống nhất, nền kinh tế đang trong giai đoạn vô cùng khó khăn. Trong hoàn cảnh đường sá xuống cấp, phương tiện giao thông thiếu và cũ nát, thị trấn Xuân Hòa ở vị trí biệt lập nên càng nhiều khó khăn. Đời sống của các thầy, cô giáo, sinh viên trăm bề thiếu thốn. Từ lương thực, thực phẩm, quần áo, điện, nước… cho đến cái kim, sợi chỉ đều thiếu; điều kiện vệ sinh, môi trường, xã hội… rất kém.
Thật may mắn, chúng tôi được Nhà nước bao cấp lương thực, tiền ăn, nơi ở. Dù tiêu chuẩn rất thấp, chúng tôi ăn bữa cơm, bữa mì, bữa ăn “bo bo”, canh “toàn quốc”, nước mắm “đại dương” nhưng chúng tôi không phải lo “cộng, trừ” cái túi tiền riêng. Chúng tôi sống “vô sản”, cả tháng chẳng cần tiền. Ở tuổi “bẻ gãy sừng bò” nên con trai chúng tôi ăn chẳng biết no, bụng thường xuyên lép kẹp, đói liên miên nên dần dần mất cả cảm giác đói. Đứa nào khá giả thì thỉnh thoảng được gia đình gửi cho ít tiền, trả nợ xong lại mời bạn bè ra “quán chiếu vỉa hè” chiêu đãi vài đĩa sắn luộc với mấy điếu thuốc lá cuốn. Dù đói nhưng khi có tiền chẳng đứa nào chịu ăn một mình cả.
Không điện, không nước là chuyện thường ngày. Phía trước mỗi nhà ở của sinh viên có một giếng nước đào vào lòng đất đá ong sâu thẳm. Nước đá ong trong vắt, mát rượi nhưng rất hiếm. Chúng tôi phải vắt ngang người qua thành giếng, thả gầu dây dài gần chục mét chắt từng bát nước (may chưa có đứa nào lộn cổ xuống giếng). Nhiều hôm, nhà ăn sinh viên cũng hết nước, chúng tôi lao động chở nước từ sông Cà Lồ về để nấu cơm. Lũ con trai sống đơn giản: tắm, giặt, uống nước ngay tại bờ giếng. Các bạn gái thì vất vả hơn nhiều, phải xách từng xô nước nhỏ lên tầng để sinh hoạt (thế là, con trai có cơ hội xách nước hộ, nhiều mối tình lãng mạn nảy nở từ đây). Thiếu nước, đương nhiên môi trường rất bẩn và thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Hầu hết sinh viên đều bị bệnh Ghẻ. Bạn bè (cả con trai, con gái) xin nhau thuốc D.E.F là chuyện bình thường (bây giờ nghĩ lại mới thấy ngượng).
Cuộc sống thiếu thốn là vậy, nhưng chúng tôi sống hồn nhiên, thân thiện, chẳng cần thương hại nhau vì chẳng có đứa nào thấy khổ. Các hoạt động của sinh viên ngày đó còn nghèo nàn. Ngoài một số hoạt động chung, chúng tôi tự xây dựng cho mình không gian “văn hóa” kiểu “quán chiếu”. Chiều chiều đi dạo ven đồi, đi bơi ở sông Cà Lồ, đá bóng, đá cầu, tập xà đơn, xà kép, đánh cờ… Đêm về, đứa học bài, đứa ôm đàn “suy tư”. Nhiều đêm, học xong khó ngủ, chúng tôi ra ban công gọi các bạn khoa Văn để “gây sự” (lâu lâu chúng tôi không “gây sự” thì lại bị các bạn “gây sự” trước). Việc “kê kích” nhau giữa khoa Toán với khoa Văn là chuyện thường thấy và chúng tôi coi đó như một hình thức sinh hoạt “văn hóa”. Trò “quỷ” ấy bây giờ trở thành kỉ niệm đáng nhớ. Ngẫm lại, tôi chợt nhận ra nhiều “tài lẻ” của mình, của bạn bè đã được bộc lộ và nuôi dưỡng từ những ngày sống trong tập thể hồn nhiên, vô tư đó. Các “kĩ năng mềm, kĩ năng sống”, của giới trẻ được hình thành, phát triển tự nhiên như vậy.


Học toán đương nhiên là rất khó, nhất là với hầu hết con gái. Các bạn gái chăm chỉ vô cùng. Thời tiết nóng nực, không điện, không quạt, muỗi nhiều (lại còn cái bệnh ngoài da khủng khiếp, còn bị rệp cắn nữa!), thế nhưng các bạn vẫn miệt mài thâu đêm bên cây đèn dầu hỏa (khói đèn dầu bám đầy mắt, mũi). Nhiều bạn thuộc lòng cả định lí lẫn chứng minh dài ngoằng (nhưng không hiểu lắm). Lũ con trai học “lãng tử” hơn nhưng lại biết cách học. Cứ bắt đầu hiểu kĩ khái niệm cơ bản, mọi thứ tiếp theo cứ thế mà suy. Nhiều bạn rất thông minh, học ít nhưng nói gì cũng mạch lạc, khúc triết nghe như thầy giảng trên lớp vậy.
Đời sống vật chất của các thầy, cô cũng rất đạm bạc, chẳng khá hơn nhiều so với chúng tôi. Vào sáng Chủ nhật, chúng tôi thường gặp thầy, cô đi chợ mua mấy thanh củi, ít cà chua, rau sống, hành tươi về “cải thiện”. Dù cuộc sống và điều kiện làm việc khó khăn nhưng các thầy, cô rất nhiệt tình, tâm huyết, tài năng. Tôi được học và được biết hầu hết các thầy, cô trong khoa: Thầy Đỗ Quá Khang (chủ nhiệm khoa), thầy Trần Văn Vuông, thầy Nguyễn Phụ Hy, thầy Đoàn Văn Mừng, thầy Dương Lương Sơn, thầy Khuất Văn Ninh, cô Diệp, thầy Lợi, thầy Tâm, thầy Quân… (dạy Giải tích); thầy Vũ Quốc Chung, thầy Sử, thầy Thành (dạy Đại số); thầy Bình, thầy Lại, thầy Vạn, Thầy Hoàng Văn Giáp… (dạy hình học); thầy Bùi Duy Hưng, thầy Ngọc Anh… (dạy phương pháp) (đã 30 năm nên tôi không nhớ họ một số thầy, cô). Mỗi thầy, cô có một phong cách giảng dạy rất riêng, rất ấn tượng: Thầy thì dạy cẩn thận và chuẩn mực đến từng chi tiết; thầy thì dạy phóng khoáng, lãng mạn. Chính sự đa dạng trong một thể thống nhất ấy đã nuôi dưỡng tình yêu của chúng tôi với môn học, đã giúp mỗi chúng tôi tự hình thành phong cách riêng.
Năm thứ 4, tôi được thầy Đoàn Văn Mừng hướng dẫn làm khóa luận “Điểm bất động trong không gian lồi địa phương”. Thầy yêu cầu tôi tự đọc toàn bộ phần kiến thức cơ sở, sau đó tiếp cận với những bài báo chuyên ngành của thầy. Mãi sau này tôi mới hiểu, chính việc tập dượt nghiên cứu đó đã cho tôi khả năng tự đọc, tự học tương đối tốt. Đó là chìa khóa quan trọng của tôi về sau.
Thân thiện và rất thương chúng tôi trong cuộc sống đời thường nhưng các thầy, cô lại vô cùng nghiêm khắc trong chuyên môn. Dù rất quý chúng tôi nhưng các thầy vẫn đánh trượt hàng loạt nếu không đáp ứng được yêu cầu. Chính vì sự nghiêm khắc, yêu cầu cao về chuyên môn của thầy, cô mà chúng tôi đã học tập chăm chỉ hơn, chúng tôi được cái “cần câu” chứ không chỉ được “con cá”.
Đã gần 1/3 thế kỉ trôi qua, thị trấn Xuân Hòa đã khác xưa nhiều; quy mô và vị thế của trường đã ở tầm cao mới; thầy tôi, bạn tôi người còn, người mất, người theo nghề, người đã chia tay với nghề dạy học... Tôi đã may mắn vượt qua được khó khăn, trụ lại được với nghề, chiếm được tình cảm, niềm tin của đông đảo học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp. Bốn năm học tại trường là khoảng thời gian không dài nhưng đã cho tôi nền tảng kiến thức, kinh nghiệm tổ chức, bản lĩnh nghề nghiệp; dạy tôi biết tìm niềm vui trong mọi hoàn cảnh, niềm đam mê công việc, biết yêu thương, chia sẻ, biết nhận, biết cho. Đó là nền tảng để hôm nay tôi vững vàng trên bục giảng, tự tin với vai trò Hiệu trưởng một trường THPT chuyên có chất lượng đào tạo hàng đầu Viện Nam.
Tôi tự hào khi có nhiều anh, chị, bạn bè cùng thời sinh viên với tôi tại trường nay đã khá thành đạt trong nghiên cứu, giảng dạy, quản lí; đã đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp giáo dục của đất nước. Sự trưởng thành của đông đảo anh, chị và các bạn cựu sinh viên đã khẳng định chất lượng đào tạo và vị thế của trường.
Mái tóc tôi đã chuyển màu, song những kí ức về thầy, cô, về mái trường và cả một thời sinh viên sôi nổi luôn trong tâm hồn, tình cảm, công việc của tôi. Tôi thật sự cảm động khi được nhiều thầy, cô vẫn còn nhớ và dõi theo bước chân tôi trong cuộc đời. Thầy Ninh, thầy Vạn… thường gọi điện chia vui, động viên tôi mỗi khi tôi làm được việc gì đó nho nhỏ, hữu ích. Tôi nhận ra trong lời động viên của các thầy như chứa đựng tình cảm, trách nhiệm của người thầy với “sản phẩm” của nhà trường. Từ tận đáy lòng, tôi xin được cảm ơn thầy, cô cùng tất cả bè bạn. Kính chúc nhà trường không ngừng lớn mạnh, luôn là trung tâm đào tạo chất lượng cao hàng đầu của đất nước, ngang tầm khu vực và quốc tế, có vai trò quyết định trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tào nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.
Mái trường thân yêu, thị trấn Xuân Hòa thơ mộng bên dãy đồi Thằn Lằn và dòng sông Cà Lồ thơ mộng mãi mãi trong tâm hồn tôi như buổi đầu. Tôi chợt nhớ lại tứ thơ của bạn Cẩm Minh đọc cho tôi nghe khi cùng thực tập ở một trường miền Trung du:
“Cho ta trở lại giếng đồi ơi!
Mùa hanh hao tìm không ra giọt nước,
Không chết khát bởi ta nhiều mơ ước…”.
Nam Định, tháng 11 năm 2012
Nguồn bài viết: Cựu SV Khoa Toán

Các bài liên quan



0 nhận xét:

Đăng nhận xét