24/12/13

Người tốt xã hội còn nhiều lắm, nhưng người ta chỉ quan tâm nhất đến cái xấu nên cướp giết hiếp mới lộng hành trên báo chí Việt ?
Thời gian gần đây có một thực tế, cứ xảy ra vụ đâm chém, cướp, giết nào có vẻ "to tát” một tý là thông tin lại sôi sùng sục. Có lúc nào chúng ta tự đặt câu hỏi: Sự nảy sinh liên tục cái ác như hiện nay là do chính mỗi chúng ta vô tình hoặc cố ý tiếp tay không? Đơn giản nhất là vô cảm, dửng dưng để cái ác lộng hành, tò mò, quan tâm và chia sẻ thông tin về những vụ nọ, vụ kia… Truyền thông và các mạng xã hội trong cách thông tin về cái ác tràn ngập như hiện nay đang đem lại một tác dụng ngược với sự khơi dậy những điều tử tế (trong khi gương tốt và điều thiện ít được đề cập).

Hòa - một phụ nữ nông dân thuần phác của xóm tôi dạo này không hiểu sao lại hay vào mạng đến thế. Vào mạng, có cái lạ, những công việc cần tìm hiểu như mùa vụ, giá cả, sự lên xuống của nông lâm sản và chăm sóc chồng con Hòa lại rất ít khi để ý. Cái mà cô hay để ý đến bây giờ là các vụ án mạng, hiếp dâm và những scandal của giới show biz.
Dường như không muốn là kẻ luôn luôn về sau với "thể loại” này nên khi tra cứu, truy cập được cái gì bao giờ cô cũng chia sẻ với hàng xóm. Nhiều khi tôi thấy sự nắm bắt về cái ác của cô đã vượt qua sự hình dung của mình, nên có hỏi. Chẳng ngờ cô trả lời ráo hoảnh, gớm em cũng có biết tra cứu gì đâu. Khốn nỗi, cứ vào mạng, truy cập vào trang nào cũng thấy chình ình trước mắt những vụ án và vụ việc. Thế là đọc rồi biết thôi.
Có lẽ câu giãi bày của Hòa hẳn nhiên đã thành thực tế không những của các trang mạng mà nó còn là sự hiện diện trên cả những sản phẩm in ấn, trong đó có báo chí. Bất cứ trong các khắc giờ nào đó, chỉ cần dạo qua một vòng các sạp báo sẽ thấy vấn đề này hiện lên khá rõ nét. Nào là con chém cha, chồng tẩm xăng đốt vợ, bé 12 tuổi đi bán dâm… không những được đưa mà còn được mô tả khá rõ nét.
Nhiều tờ báo, tôi không dám dùng từ "lá cải” mà dùng từ văn vẻ là "báo thị trường” cứ có những bài thuộc thể loại này lại được người "cầm cái” ý tứ đưa ra trang nhất. Thậm chí khi ra đến sạp, nó lại được những người bán báo đưa ra vị trí khá trang trọng. Một thằng bạn làm nghề bán báo nói với tôi, em cũng chẳng thích những thứ này nhưng nó đang… hợp với thiên hạ. Bày ra chỗ cho họ dễ thấy để bán, kiếm mấy đồng nuôi cháu anh ạ!
Không những nhanh nhạy, tỏa quân đi mà nhiều tờ báo thuộc dạng này còn có một chương trình săn tin, triển khai nội dung khá bài bản. Thằng bạn tôi quen, hiện đang đầu quân cho một báo có tới vài ba ấn phẩm loại này cho biết dạo này rất mệt, vì lắm tin hót (nghĩa là các đề tài liên quan đến đâm, chém, cướp, giết, hiếp) nên nó phải "lao” suốt. Mấy ấn phẩm báo nó đang "kết” những đề tài này. Thú thật, hơi "dã man” một chút nhưng làm thế mới bán được báo, bài mới có chỗ in và mới có thu nhập.
Một ông bạn hiện đang "cầm cái” cho một tờ báo, trước sự bùng nổ của "báo thị trường” giãi bày: Tớ cũng không thích thứ này lắm. Nhưng chẳng hiểu sao dạo này thiên hạ lại hay "kết” đến thế. Báo chí là một sản phẩm hàng hóa mà. Thiên hạ có nhu cầu gì thì mình làm để bán cho họ thôi, chứ cái tâm thực chất của mình lại không muốn thế. Mình không làm, báo không bán được, anh em đói, mình đói. Thôi đành muối mặt một chút để theo thị trường mà kiếm cái nuôi anh em.
Chẳng hiểu tại sao bây giờ bạn đọc lại hay "kết” những thông tin này đến vậy. Thậm chí quan sát, một số tờ báo có thương hiệu nhưng hễ có thông tin nào liên quan đến những vấn đề tế nhị trên mà đưa lên, lạ thay lượng truy cập lại tăng hơn so với các tin bài khác. Phần lớn hiện nay, các báo và tạp chí đều không được cơ quan chủ quản bao cấp nữa, phải tự hạch toán kinh doanh. Nên việc chọn những cái thiên hạ "kết”, thiên hạ thích để bán được báo cũng là điều không thể trách họ được. 
Khi mặt trái xã hội được cổ súy
thì cái ác sẽ tăng lên
Từ nhu cầu của thị trường, của người đọc, giữa miếng cơm manh áo và lợi nhuận của mình nên hiện nay nhiều tờ báo, nhiều ấn phẩm đang vô tình cổ súy cho cái ác. Nhiều vụ việc, thậm chí quá mức hình dung với đạo đức nghề nghiệp thì không nên đưa, nếu có đưa thì cũng đưa tế nhị, hạn chế về câu chữ nhưng lại được thổi bùng lên. Rồi săm soi, rồi miêu tả hết sức kĩ lưỡng. Có nhiều vụ án, thậm chí người thân của các gia đình còn bảo, người chết thì đã chết rồi nhưng chúng tôi sống cũng đang rơi vào tình trạng "chết” vì bị săn lùng quá mức. Thậm chí ảnh của họ, lời nói vô tình của họ cũng trở thành những thông tin nóng hổi.
Các nơi nằm trong trung tâm còn đỡ. Vùng ngoại thành, rất nhiều người đang bị cảnh "báo loa” oanh tạc vì những thông tin án mạng hết sức rùng rợn này. Chưa sáng, người ta đã bị đánh thức bởi chiếc loa rao báo len lỏi vào các ngõ ngách. Nào là chuyện bố chồng bị… "dính” với nàng dâu, cụ ông 70 cho cháu gái 2 chiếc kẹo rồi bế vào toa - lét. Một người mua, hai người mua, rồi đọc, rồi bình luận, rồi kháo nhau. Cả quán ăn sáng, quán trà, quán cà phê cứ náo loạn hết cả lên.
Không biết có do ảnh hưởng của thông tin không mà sau đó một thời gian, các vụ án, các nhân vật giết người man rợ cần lên án bỗng nhiên nổi tiếng. Thậm chí đã được rất nhiều thanh niên trẻ dùng nó như một sự cổ súy. Những đường link, những tên miền cá nhân, những "fây”, những  blog rất nhiều người đã lấy tên này để "giao dịch”. Sát thủ Lê Văn Luyện với vụ án giết hại cả gia đình, cướp tiệm vàng ở Bắc Giang chưa bắt được thủ phạm thì trên "fây” đã xuất hiện rất nhiều cá nhân dùng tên này để đặt. Rồi chuyện "Bà Tưng” người khen, kẻ chê chưa ngã ngũ đã xuất hiện những cái "fây” có tên "Bà Tưng”, "Bà Tưng 1”, "Bà Tưng2”, thậm chí là cả "Bà Tứng”, "Bà Từng” cũng đồng loạt ra đời. Nghĩa là ở đây, cái xấu và tội ác đang vô tình được cổ súy.
Một cậu làm báo trẻ nói với tôi, dạo này bọn em có cái may là có nhiều vụ việc (các vụ liên quan đến giết người, hiếp dâm…) để mà làm chứ không cứ gọi là đói dài cổ. Tháng trước, gần 20 ngày cậu được cử "cắm dưới” Thái Bình theo dõi vụ việc Đặng Ngọc Viết. Về, chưa nghỉ được bao lâu thì lại bị "xung” vào đội làm bài nóng về vụ giết người vứt xuống sông của Thẩm mĩ viện Cát Tường. Thậm chí in, rao, phát hành chưa đủ, cộng đồng "fây” giờ còn rất bực bởi những thông tin theo kiểu "chỉ tận tay, day tận trán” này còn bị một số cá nhân khác "ắp” lên để chia sẻ…
Đem chuyện cổ súy cái ác này đến với nhiều người. Tôi thú vị nhất với lời chia sẻ của một nhà giáo già: Cứ với sự đáp ứng nhu cầu này của bạn đọc, sẽ làm cho người ta dần chai sạn và thích nghi với cái ác. Vậy tội ác sẽ ngày tăng lên và phức tạp hơn về mức độ. Đơn giản như ta ăn cơm có sạn thôi. Lần đầu thấy chối. Nhưng lần sau, vẫn cơm ấy, sạn ấy người ta sẽ quen dần. Và ăn nhiều, đến lúc người ta sẽ "quen sạn” và không biết bát cơm của mình có sạn nữa!
Ngoài việc tập trung thông tin, đưa một cách quá khích, tỷ mỷ cũng có vấn đề đặt ra đó là văn hóa đọc. Khi được hỏi, có người đã thẳng thắn nói văn hóa đọc của ta dạo này có vấn đề, nếu không nói là đã xuống cấp. Từ sản xuất đến tiêu dùng bao giờ cũng là một quy trình. Nếu cái sự đọc được nâng cao, người ta chỉ cần biết những thông tin chủ yếu là: Vụ sát hại xảy ra ở đâu, bắt được hung thủ chưa?, hung thủ bị kết tội ra sao là đủ thì dù báo chí có đưa ra các thông tin "nóng”, "hot” bằng giời cũng không thể phủ dụ được người ta móc hầu bao ra mua thông tin được nữa.
Thời gian gần đây có một thực tế, cứ xảy ra vụ đâm chém, cướp, giết nào có vẻ "to tát” một tý là thông tin lại sôi sùng sục. Thực tế đó là điều rất đáng phải suy nghĩ, cảnh báo.

Các bài liên quan



8 nhận xét:

  1. Nói chung mỗi thứ một ít. Báo chí, phim ảnh, game online... những gì lấy yếu tố bạo lực để câu view, hút khách đều là khuyến khích cho bạo lực trong đời sống xã hội. Những tên sát nhân vốn không hề được đào tạo để giết người nhưng khi hành sự chúng khiến người ta ghê sợ về tính "chuyên nghiệp" của nó. Tất cả những điều đó chúng học được trên phim ảnh và game online và sau đó, sự thổi phồng của truyền thông góp phần khuếch trương "thành tích" của chúng.

    Trả lờiXóa
  2. Việc chạy theo những thông tin cái ác quá nhiều của các cơ quan báo chí, sự "hồn nhiên" của bạn đọc cũng như các cơ quan quản lý đã tạo ra những hiệu ứng xấu không đáng có. Một bộ phận báo chí, truyền thông đang chạy theo lợi nhuận một cách vô cảm, từ đó tiếp tay, thậm chí cổ vũ cho cái xấu, cái ác phát tác trong đời sống.

    Trả lờiXóa
  3. Cái này đã có đề tài nghiên cứu rồi thì phải. Trong các thông tin về tội phạm nước ngoài hay nói về các thủ phạm gây ná thậm chí theo nội dung của tiểu thuyết. Vấn đề là các nhà biên tập cần cẩn trọng trong các ngôn từ khi đưa bài lên.

    Trả lờiXóa
  4. Công lao lớn nhất của các nhà báo và báo chí bây giờ là làm cho cái ác được ác thêm, cái vô đạo đức càng vô đạo đức hơn... Mà đáng buồn là ko có một trở ngại nào kể cả lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút khiên họ chùn tay khi viết về những điều đó. Sao họ ko hiểu rằng đó cũng là tội ác nhỉ ? Tội ác mà không bị quy vào điều luật nào.

    Trả lờiXóa
  5. Tôi đồng ý với ý kiến của Nhà báo Hoàng Linh, tôi đã từng đọc những bài báo kiểu như một cuốn phim quay chậm về cảnh gây án của các tên tội phạm. Điều đó thật độc hại đối với người đọc, nhất là đối với các em vị thành niên bốc đồng, bắt trước. Thiết nghĩ đối với những vụ án chỉ cần đưa tin để người đọc cập nhật thông tin là được. Đừng vì thu hút độc giả mà "GIẬT TÍT".

    Trả lờiXóa
  6. Tôi đọc nhiều bài viết trên báo giấy, báo mạng .. thấy các cây bút mô tả những thằng lưu manh, vô học như những anh hùng quân tử, rất bức xúc nhưng ngẫm lại thấy thương người viết vì họ " Biết nhiều quá".

    Trả lờiXóa
  7. Không chỉ là chuyện giết người... Bất kì hành vi vi phạm pháp luật nào cũng thế. Tôi từng rất băn khoăn khi thấy báo chí đưa tin quá nhiều, quá chi tiết về cách thức, lắt léo, những mưu mẹo để luồn lách luật pháp... Có lẽ, nói một cách trần trụi thì những bài báo đó không những mang tdụng cảnh báo mà còn tiếp tay cho những tội phạm lớn hơn, tinh vi hơn... Bởi sau mỗi lần phạm pháp của người này là kinh nghiệm của kẻ khác...thực ra họ đang cố gắng rút kinh nghiệm để vi phạm hoàn hảo hơn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng vậy. Theo tôi ngay cả những mánh khóe trong làm ăn, những thủ đoạn để thu lợi nhuận cao mà nhờ có báo chí nói quá nhiều quá chi tiết biến thành những "kinh nghiệm" cho người khác, cơ quan khác, tổ chức khác làm ăn phi pháp thực hiện tinh vi hơn, hoàn hảo hơn

      Xóa